Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

15:55, 22/02/2024

Sáng 22/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn đã giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Trong giai đoạn qua, Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đến đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Sở.

Qua đó đã nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao về sự cần thiết của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy và đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Sở.

Quang cảnh buổi làm việc.
Đại biểu tham dự buổi giám sát.

Từ năm 2018 - 2023, Sở đã giảm được 2/12 đơn vị (17%) đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo đúng kế hoạch đề ra. Việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được mục tiêu cơ cấu hợp lý, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, sáp nhập những đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại để khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Thực hiện cơ chế tự chủ, hiện tại có 3 đơn vị đã tự chủ được một phần và có 1 đơn vị là Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên.

Thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ một số nội dung liên quan.
Thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ một số nội dung liên quan.

Về quản lý biên chế, căn cứ số lượng biên chế được UBND tỉnh giao hằng năm, Sở đã điều chỉnh, phân bổ biên chế cho các đơn vị quản lý sử dụng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2015 – 2023 được giao.

Số lượng người làm việc (bao gồm số lượng biên chế và số lượng hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ) trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên tính đến hết ngày 31/12/2023 so với năm 2015 tại Sở đã giảm 92 biên chế, tương đương 18,5%.

Bên cạnh đó đã giảm được 3 cấp phó do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập và trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm 1 vị trí tại Trung tâm Bảo tổn Voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng thông tin về tình hình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng thông tin về tình hình thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở.

Trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN&PTNT hầu hết là ở lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (8/10 đơn vị). Công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn, phức tạp trong khi biên chế được giao ít lại phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên ngày càng bị giảm, nếu tinh giản và sáp nhập theo ý chí chủ quan sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, dẫn đến khó hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; trong khi kinh phí hằng năm cho hoạt động còn thấp so với yêu cầu…

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở làm rõ một số nội dung về các kế hoạch triển khai; việc thực hiện cơ chế tự chủ; đánh giá, phân tích tính chất đặc thù của các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng cùng những khó khăn, vướng mắc cụ thể, hiệu quả hoạt động khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh giản…

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu kết luận tại buổi giám sát.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu kết luận tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân chia sẻ những khó khăn đã nêu tại buổi làm việc; đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT cần thống nhất quan điểm của Đảng liên quan đến nội dung này, tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi, chế độ, nâng cao điều kiện, thu nhập của cán bộ công chức, cải cách bộ máy hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đối với những nội dung Sở kiến nghị, đề xuất Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.