Multimedia Đọc Báo in

Họp báo định kỳ tháng 2/2024

18:14, 14/03/2024

Chiều 14/3, UBND tỉnh tổ chức họp báo định kỳ tháng 2 năm 2024 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các cơ quan thông tấn, báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự buổi họp báo.
Các đại biểu tham dự buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, các đại biểu được thông tin tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh tháng 2 năm 2024; đồng thời các đơn vị, địa phương liên quan đã phản hồi một số vấn đề báo chí đăng tải thời gian vừa qua.

Cụ thể, về bài viết “Lùm xùm liên kết đào tạo: Kiểm tra hồ sơ năng lực đơn vị cung cấp” của Báo Tiền Phong, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, Sở đã yêu cầu các phòng GD-ĐT kiểm tra. Về thông tin các trường tự ý chèn chương trình liên kết vào tiết chính khóa, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột khẳng định các trường tiểu học trên địa bàn hiện nay đang thực hiện các hoạt động liên kết tổ chức dạy học theo hướng dẫn, quy định tại Công văn số 33/SGDĐT-GDTH-GDMN, ngày 08/01/2024 của Sở GD-ĐT; đến nay, Phòng chưa nhận được bất kỳ thông tin nào của phụ huynh học sinh phản ánh về vấn đề này mà nhà trường không giải quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì buổi họp báo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì buổi họp báo.

Phản hồi Báo Vietnamnet về bài viết “Vụ gần 100 hộ dân bị lạc mất sổ đỏ, mất đất thổ cư: Do sập bẫy cò đất”, đại diện UBND huyện Cư M’gar cho biết, ngay sau khi xác minh nội dung, nguyên nhân của sự việc, đơn vị đã giao cho UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, hạn chế hoặc không ủy quyền cho người khác thực hiện; giao Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tăng cường kiểm soát hồ sơ trước khi tiếp nhận, phát hiện kịp thời đối với hồ sơ thiếu sót, không rõ ràng hoặc vi phạm hợp đồng ủy quyền thì từ chối giải quyết theo quy định.

Về bài viết “Krông Ana: Người dân tố cáo Hợp tác xã Thanh Bình tham ô hàng chục tỷ đồng thuỷ lợi phí” đăng Báo Xây dựng, đại diện UBND huyện Krông Ana cho biết, ngay sau khi nhận đơn của người dân về vấn đề này, UBND huyện đã giao các đơn vị liên quan tham mưu xử lý, giải quyết, điều tra, xác minh theo thẩm quyền. Tuy nhiên quá trình kiểm tra, xác minh, các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong thu thập, bổ sung các hồ sơ tại các cơ quan có liên quan dẫn đến quá trình giải quyết tin báo kéo dài.

Ngày 5/2/2024, Công an huyện Krông Ana đã bàn giao hồ sơ, tài liệu cho các đơn vị liên quan. Hiện, Sở Tài chính đang trong quá trình hoàn thiện kết quả giám định. Khi có kết quả, Công an huyện Krông Ana sẽ tiến hành phục hồi giải quyết tin báo tố giác về tội phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo
Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phản hồi thông tin báo chí đã phản ánh.

Với bài viết “Đắk Lắk: Ô nhiễm âm thanh rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương” đăng Tạp chí Môi trường và xã hội, lãnh đạo huyện Ea Súp cho biết đơn vị đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cùng các ngành liên quan nhắc nhở, tuyên truyền, phổ biến quy định về tiếng ồn cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong việc dẫn dụ chim yến; xử phạt các hộ dân có sai phạm về khung giờ mở loa dẫn dụ chim yến.

Về cường độ âm thanh, các cơ quan chuyên môn của huyện chưa được trang bị thiết bị đo tiếng ồn nên không có cơ sở xác định cường độ âm thanh từ việc phát loa dẫn dụ chim yến. Đối với việc xây dựng nhà dẫn dụ yến trái phép, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đánh giá cao sự phản ánh kịp thời của các cơ quan báo chí về những bất cập, vấn đề dư luận quan tâm, tạo thuận lợi cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại, báo cáo cụ thể và có hướng xử lý theo đúng quy định.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.