Multimedia Đọc Báo in

Cà phê Buôn Ma Thuột: Danh tiếng từ trăm năm trước

08:35, 29/07/2024

Theo suốt hành trình 120 năm hình thành và phát triển tỉnh Đắk Lắk, cây cà phê – cà phê Buôn Ma Thuột - đã có nhiều đóng góp quan trọng vào nền kinh tế tỉnh nhà từ thuở sơ khai cho đến ngày nay. Cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành biểu tượng và làm rạng danh cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.

Từ những đồn điền cà phê trăm năm

Trong lịch sử phát triển của cây cà phê Việt Nam thì cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk là một điểm nhấn quan trọng, bởi vùng đất này mang dấu ấn trăm năm của những đồn điền cà phê bạt ngàn trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ.

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê arabica (cà phê chè) là loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột trước thời điểm Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk vào ngày 22/11/1904. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, bệnh gỉ sắt trên cà phê chè xuất hiện làm giảm năng suất nên các chủ đồn điền Pháp đã chuyển sang trồng loại cà phê robusta (cà phê vối) với năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên cao. Từ đó, cà phê robusta trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng cao nguyên Đắk Lắk.

Chế biến cà phê chất lượng cao ở Trang trại Aeroco coffee (TP. Buôn Ma Thuột).

Vào thời gian này, hai công ty nông nghiệp lớn nhất Đắk Lắk đã được chính quyền Pháp cho phép thành lập. Đó là Công ty Cao nguyên Đông Dương (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois - CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (Compagnie Agricole D'asie - CADA), chiếm lĩnh vùng đất bazan bằng phẳng và trù phú bậc nhất của cao nguyên Buôn Ma Thuột (ngày nay vẫn là vùng cà phê tập trung theo Quốc lộ 14 và Quốc lộ 26 phụ cận TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, từ các tư liệu ghi lại cho thấy, lượng cà phê thu được lúc đó tuy còn rất ít nhưng cũng đã được đưa về nước Pháp chế biến, tiêu thụ. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ rất bất ngờ trước chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột: thơm đặc trưng và thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vì vậy, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của Pháp quyết định đầu tư mở đồn điền ở vùng Buôn Ma Thuột. Từ năm 1925 – 1959, có 49 đồn điền và trang trại lớn nhỏ, hầu hết chủ là người Pháp, được thành lập với tổng diện tích cà phê khoảng 5.200 ha như: Auger, Mercurio, Vererkene, Padovani, Herion, Hagen, Santé, Coronen, Rene Rossi... Ngoài các đồn điền cũ do người Pháp quản lý, lúc đó cũng đã xuất hiện một số đồn điền cà phê do người dân tộc bản xứ và người Kinh khai phá, làm chủ.

Sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung phát triển ngành sản xuất cà phê, với sự ra đời của hàng loạt các nông trường cà phê như: Thắng Lợi, 10-3, Đức Lập, Ea Hồ, Phước An… trên cơ sở các đồn điền thời Pháp và có sự hợp tác của một số quốc gia trong khối Đông Âu cũng như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc. Tuy xuất khẩu chưa nhiều nhưng hạt cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến bởi chất lượng và hương vị thơm ngon đặc biệt. Và những đồn điền cà phê lịch sử trăm năm trên miền đất đỏ bazan này chính là phần cốt lõi tạo nên giá trị di sản bất hủ của những hạt cà phê vị đậm hương nồng, đúng chất của vùng đất Tây Nguyên.

Sản xuất và kinh doanh cà phê luôn là hoạt động kinh tế chủ đạo của nông dân Đắk Lắk.

Trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”

 

“Trên thế giới, diện tích cà phê có chỉ dẫn địa lý không nhiều và hầu hết là sản phẩm cà phê chè, chỉ riêng Việt Nam là cà phê robusta – chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Chính sự khác biệt đó đã tạo lợi thế cạnh tranh cao hơn các loại cà phê có chứng nhận khác trong xuất khẩu, vì đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù của từng vùng, không phải nơi nào cũng có” - ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đến nay, Đắk Lắk có trên 200.000 ha cà phê, sản lượng đạt trên 500.00 tấn/năm. Cà phê Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk đã có mặt tại thị trường của khoảng 80 nước trên thế giới, trong đó có những bạn hàng rất khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản, một số nước Tây Âu.

Tuy trải qua nhiều thăng trầm do biến động thị trường nhưng sản xuất và kinh doanh cà phê luôn là hoạt động kinh tế chủ đạo của khoảng 500.000 người dân trong vùng; giá trị sản phẩm cà phê hằng năm chiếm khoảng 35% GDP và 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Từ lợi thế khác biệt không vùng đất nào có được, Đắk Lắk trở thành "thủ phủ cà phê", với chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ ở 32 quốc gia dưới nhiều hình thức và đóng góp trên 30% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.

Đây chính là cơ sở để Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột thành “Điểm đến của cà phê thế giới” dựa trên thế mạnh riêng có của mình.

Ông Trịnh Đức Minh cho rằng, để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, danh tiếng chất lượng, chúng ta cần khai thác tốt phân khúc cà phê đặc sản. Ngoài đặc thù về khí hậu và thổ nhưỡng, Đắk Lắk còn có nguồn giống cà phê khá đa dạng, đặc biệt robusta thuộc nhóm giống Congo-Uganda có tiềm năng chất lượng cao.

Với truyền thống canh tác cà phê hơn 100 năm và nhanh chóng tiếp thu thành tựu công nghệ mới trong chế biến, cùng với hạ tầng cơ sở tốt, ngành hàng có độ mở cao, khả năng liên kết chuỗi, kinh nghiệm và quan hệ thị trường… là những lợi thế cho phép Đắk Lắk có thể phát triển thành công phân khúc cà phê robusta đặc sản.

Ban giám khảo chấm các mẫu cà phê tham dự cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2024.

Thực tế cũng đã chứng minh, qua 6 mùa thi cà phê đặc sản Việt Nam, cà phê đặc sản robusta xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu số lượng lớn.

Cà phê robusta đặc sản Việt Nam (xuất xứ từ vùng trồng ở Đắk Lắk) lần đầu tiên được các thí sinh sử dụng trong các cuộc thi pha chế danh tiếng tại Úc và Mỹ; cà phê sữa đá Việt Nam được pha chế từ robusta Buôn Ma Thuột đứng vị trí thứ hai trong "Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới" trên chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas…

Đó là những tín hiệu lạc quan trên chặng đường dài nâng cao danh tiếng và giá trị cho riêng cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk và của cà phê Việt Nam.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.