Tầm nhìn, định hướng để Đắk Lắk vươn mình
Tại Hội thảo khoa học “Đắk Lắk - 120 năm hình thành và phát triển” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 26/10 tại TP. Buôn Ma Thuột, các ý kiến, tham luận đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của tỉnh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như tầm nhìn, định hướng để tỉnh vươn mình hướng đến khát vọng phát triển bền vững, xứng tầm với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Từ vị thế địa lý đặc biệt quan trọng...
Theo TS Phạm Đức Anh, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Hội), Tây Nguyên - Đắk Lắk là vùng đất cổ, có sự xuất hiện của con người từ rất sớm. Trải qua thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, văn minh thời đại sắt sớm, các cộng đồng dân cư Tây Nguyên - Đắk Lắk phải đương đầu với những tộc người có trình độ phát triển văn minh cao hơn đến từ nhà Lê, thời Tây Sơn, nhà Nguyễn, rồi bị tranh chiếm bởi Xiêm La, Lào, sau đó là Pháp. Khi đã chiếm được Tây Nguyên, chính quyền thực dân đã cắt vùng đất này thuộc Lào, mãi đến đầu thế kỷ 20 mới trả về thuộc Việt Nam. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định chính thức thành lập tỉnh Darlac (Đắk Lắk), trực thuộc xứ Trung Kỳ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung |
Sự dự nhập của vùng đất Tây Nguyên vào dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam rõ ràng muộn hơn so với các vùng đất khác, trải qua một hành trình lâu dài đầy gian khó và phải “đi đường vòng”. Đồng thời với quá trình sáp nhập đất đai vào lãnh thổ Việt Nam, ý thức về quốc gia, dân tộc của các cộng đồng người ở Tây Nguyên đã nhanh chóng được hình thành. Từ đây, trong quan hệ với người Việt và tất cả các tộc người khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, đồng bào Tây Nguyên nhận thức rõ về kẻ thù chung, cùng nhau đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho đất nước.
"Với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm cùng vị thế chính trị - xã hội hiện tại, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” . Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung
|
Vị thế địa lý đặc biệt quan trọng của Đắk Lắk cũng đã được Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Cùng với cả nước quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, giành độc lập, thống nhất non sông, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, chung sức đồng lòng, bền bỉ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, lập nên những chiến công oanh liệt. Trong đó, Chiến thắng Buôn Ma Thuột là dấu mốc bản lề trong hành trình 120 năm lịch sử tỉnh Đắk Lắk. Đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột thắng lợi đã mở ra thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến khát vọng vươn mình
Ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, kiến tạo nền tảng, định hướng phát triển cho vùng Tây Nguyên; hướng tới mục tiêu xây dựng Đắk Lắk sớm trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Đắk Lắk ngày nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, dần trở thành địa phương có kết quả phát triển đáng khích lệ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên; là điểm đến hấp dẫn cả trong du lịch, nghỉ dưỡng lẫn lập nghiệp, làm ăn của nhân dân mọi miền đất nước.
Đô thị Buôn Ma Thuột phát triển hiện đại và bản sắc. Ảnh: Nguyễn Gia |
Khẳng định vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của Tây Nguyên - Đắk Lắk, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, phương hướng phát triển tỉnh Đắk Lắk trong tương lai cần được nhìn nhận ở góc độ góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định toàn diện của đất nước; đồng thời dựa trên những điều kiện sẵn có ở từng bối cảnh cụ thể. Để khơi thông nguồn lực sẵn có, khai thác sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững vị thế, phát triển ngày càng bền vững, bản sắc trong tương lai, tỉnh Đắk Lắk cần kiên quyết, kiên trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Trong đó, tập trung đổi mới mô hình kinh tế có trọng tâm, trọng điểm thông qua 4 trụ cột tăng trưởng chính: sản phẩm nông - lâm sản lợi thế; nông nghiệp chế biến và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ - logistics - du lịch. Cùng với đó, tập trung bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy mạnh liên kết vùng, giao lưu hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng trên nhiều lĩnh vực.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học của Trung ương và địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đã trình bày 6 tham luận và 7 ý kiến cung cấp nhiều tư liệu, cách nhìn khá toàn diện, đầy đủ, sâu sát về lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, tầm vóc, vị thế của Đắk Lắk trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi tham luận, ý kiến đều thể hiện tâm huyết, trăn trở đối với từng thời kỳ phát triển của tỉnh, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề để tỉnh Đắk Lắk đánh giá, nhìn nhận rõ khó khăn, thử thách, thời cơ và những vấn đề trọng tâm làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển trong thời gian tới. |
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc