Cấm biếu quà Tết cấp trên, trước hết lãnh đạo phải tự giác chối từ
Ngày 8/12/2021, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, trong đó có đề cập đến nội dung thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp: “Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức…”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Lắk cũng đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2021 về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về việc không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của tỉnh thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các địa phương; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức
Còn nhớ, năm ngoái Ban Bí thư cũng ban hành Chỉ thị 48 về việc tổ chức Tết năm 2021 và cũng nêu rõ: "Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức". Vậy tại sao năm nào Trung ương cũng phải quan tâm nhắc nhở điều này?
Ảnh: Internet |
Vì, trong thực tế, chuyện biếu xén, tặng quà cho người có chức quyền vẫn diễn ra, không chỉ ngày Tết mà cả những ngày lễ khác trong năm, miễn là có cớ để tặng. Quà tặng ngày càng “nâng cấp” theo đà phát triển của xã hội. Có lẽ bây giờ chẳng còn cảnh người, xe cùng những túi quà to đùng xếp hàng chờ đợi trước cổng nhà “sếp” vào dịp lễ, Tết. Thời công nghệ số, camera nhà dân ở mặt phố giăng đầy, chả ai dại “lạy ông tôi ở bụi này”. Những túi quà to giờ đã biết cách biến hóa, thành những món đắt tiền ai đó đặt hàng qua mạng được dịch vụ chuyển phát đem tới - rất an toàn; có khi lại ẩn sau hai tiếng “ting ting” đầy quyến rũ của tin nhắn báo tiền đã vào tài khoản chủ nhân - cực kỳ an toàn. Đấy là chưa kể, đối tượng nhận quà cũng thay hình đổi dạng, không phải là “sếp” mà là “người nhà sếp”, là thư ký, lái xe… theo cách “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”.
Vào thời điểm này năm ngoái, trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nêu quan điểm: “Theo tôi, trước hết là nêu cao tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức có quyền phải tự giác chấp hành. Đấy là yếu tố quan trọng nhất. Còn có giám sát đến đâu, kiểm soát đến đâu nếu không tự giác thì cũng không làm được”. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng: “Để ngăn chặn tham nhũng phải giải quyết được cái gốc thì cái ngọn sẽ tốt. Cái gốc ở đây chính là cán bộ...”. “Người đứng đầu cố gắng thực hiện tốt thì chuyển biến ngay”, ông Duyệt khẳng định thêm.
Muốn ngăn chặn việc lợi dụng Tết để tặng quà, biếu xén lãnh đạo (một dạng tham nhũng, hối lộ trá hình) cần phải có đội ngũ cán bộ tốt, liêm chính. Đó phải là những người thăng tiến bằng chính năng lực và tâm huyết của mình. Khi không còn nạn chạy chức, chạy quyền và lợi ích nhóm thì chuyện biếu xén quà cáp để mong được “nâng đỡ không trong sáng” cũng sẽ tự biến mất.
Ngày lễ, Tết sẽ vui và ý nghĩa biết bao khi người ta thăm viếng, chúc tụng nhau không phải vì mục đích vụ lợi mà bằng sự quý trọng của tình người, tình đồng chí trên tinh thần nhân văn truyền thống của dân tộc...
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc