Bài báo luôn phải… “cho tươi”
Ngày mới chập chững vào nghề báo, trong rất nhiều hành trang tôi đã tự đi tìm cho mình lời khuyên, kinh nghiệm từ những “cây đa, cây đề” trong báo giới. Trong số ấy, từ chia sẻ kinh nghiệm của nhà báo Phan Quang, tôi đã học để dùng làm cẩm nang làm nghề cho mình.
Ông khuyên: Viết đúng chính trị, chủ trương, đúng mục đích, có văn hóa là đương nhiên, nhưng còn phải "bằng cách nào bài báo mình viết ra vẫn phải “cho tươi”". Hai chữ “cho tươi” (lời của đồng chí Trường Chinh) mà nhà báo Phan Quang dùng lại thật sâu sắc. Thấm thoắt cũng đã hơn 17 năm trong nghề, tuổi đời ngày càng già đi nhưng mỗi khi cầm bút tôi vẫn đau đáu với ý thức, tâm niệm để bài báo sẽ phải “cho tươi”, cho mới như lời khuyên của các bậc tiền bối.
Làm sao “cho tươi”, cho mỗi bài viết không rập khuôn, khô khan, thuần túy thông tấn? Tôi đã tìm được câu trả lời cho mình qua 3 từ khóa: “đi – nghĩ - viết”. “Đi” trải nghiệm về cuộc sống, về thực tiễn luôn vận động và biến đổi, để rồi dữ liệu thu thập sau những chuyến hành trình ám ảnh, day dứt, thôi thúc mình thể hiện thành tác phẩm với tất cả hiểu biết, năng lực và tâm huyết. Mỗi tác phẩm chào đời là hạnh phúc khi lại một lần được tương tác, giao tiếp với công chúng, nên luôn tự nhủ lòng cố gắng tận dụng cơ hội ấy để thể hiện những thông điệp, những điều muốn nói một cách rõ ràng nhất.
Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Mỗi sự kiện sẽ có chiều sâu của nó và bài báo luôn “tươi” khi sự tìm tòi, dấn thân của nhà báo sẽ giúp tác phẩm luôn có sự tươi mới, công chúng sẽ luôn tìm được những giá trị thông tin, thậm chí ngay ở những đề tài dù đã cũ. “Thảm họa da cam”, một đề tài không mới, tôi ấp ủ, thai nghén, đi tìm hướng khai thác và thể hiện thông điệp về nghị lực phi thường của những con người mang trong mình nỗi đau da cam; đồng nghiệp khác lại “mang nặng đẻ đau” với góc nhìn về đi tìm tiếng nói công lý… Hay câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” - tắc đường ở đô thị, nhận định phổ biến nhất là sự quá tải của hạ tầng giao thông, nhưng với mỗi nhà báo bằng sự trải nghiệm nghề và góc nhìn của mình sẽ có những phân tích khác nhau. Có người sẽ thấy đó là thể hiện sự phát triển, đất lành chim đậu nên dân cư tập trung đến đông để sinh sống và lập nghiệp; có người thì thấy sự thay đổi, cải thiện trong đời sống người dân với sự gia tăng của các phương tiện giao thông; có người lại nhìn nhận khai thác ở góc độ ô nhiễm môi trường… Bức tranh cuộc sống thêm đa sắc màu và được nhìn nhận, đánh giá nhiều chiều từ những góc khai thác như thế.
Tôi nhớ đến "nguyên lý bánh mì" hay "tư duy hạt gạo" để tìm được nhiều chiều kích vấn đề của Tiến sĩ Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam hay cái đam mê đi tìm và đi đến tận cùng sự việc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – một cây viết phóng sự điều tra, anh luôn tìm mọi hướng, mọi cách để hiện thực hóa bằng được ý tưởng dù mới chỉ là nhen nhóm. Sự nuôi dưỡng, “gặm nhấm”, day dứt, trăn trở, đi tìm chiều sâu phía sau mỗi vấn đề, sự kiện chính là đã làm “cho tươi” bài báo; trong bài báo đã “có văn”, không dừng lại ở thông tin thuần túy, không bị lãng quên, bị chìm khuất khi tính thời sự qua đi; ngược lại, nó vẫn lưu giữ giá trị của thời cuộc, của cảm xúc, của những giá trị thông điệp mang dấu ấn cá nhân tác giả.
Trong cuộc đời làm báo, tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ không thể nhớ chính xác mình đã viết được bao nhiêu bài báo, đã đến bao nhiêu vùng đất, đã gặp bao nhiêu nhân chứng. Đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp; hành trình đi, tìm tòi khai thác, trăn trở tìm cách thể hiện để bài báo luôn phải “cho tươi”, nhà báo đã giàu lên gấp bội về tình yêu con người, tình yêu cuộc sống…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc