Multimedia Đọc Báo in

Bàn về chuyện “viết hay, viết tốt” của nhà báo

09:56, 27/06/2022

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng kể câu chuyện về báo chí ở xứ người: “Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm”.

Câu chuyện khiến tôi suy ngẫm mãi. Ở nước bạn, tuy không có cơ quan nhà nước quản lý báo chí nhưng không có nghĩa là họ buông lỏng lĩnh vực này. Họ quản báo chí bằng luật pháp, bằng sự giám sát của người dân. Vai trò, trách nhiệm của nhà báo thể hiện qua chất lượng bài viết của mình. Khi nhà báo viết sai, có người kiện thì giải quyết ở tòa án. Lúc đó vai trò của Nhà nước là “xử nghiêm”. Thật rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng.

Còn ở ta…

Hơn 20 năm trước, khi Internet chưa phổ biến, người dân “đói” thông tin, chỉ biết có báo giấy, báo nói và báo hình nhưng khả năng tiếp cận bị hạn chế bởi số lượng xuất bản, phương tiện nghe nhìn thiếu thốn. Chuyện “viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện” chưa phải là mối quan tâm phổ biến của xã hội.

Bây giờ thì khác, sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi tất cả, từ diện mạo báo chí, truyền thông cho đến thị hiếu của độc giả. Người ta quan tâm đến báo chí không chỉ nội dung tin tức mà còn ở sự nhanh nhạy (đến từng giây) của việc đưa tin; ở khả năng phân tích, đánh giá vấn đề, sự kiện của nhà báo. Người đọc, người xem thời công nghệ số có điều kiện để tương tác với tác giả và tòa báo nhờ công nghệ hiện đại; ai cũng có thể bày tỏ thái độ của mình thông qua việc đánh giá, bình phẩm mức độ hay dở của một bài viết hoặc chất lượng của cả tờ báo.

Bởi thế, người đọc ngày nay không khó để “thẩm định” một bài báo. Họ có thể “chấm điểm” ngay bằng cách chỉ ra những lỗi sơ đẳng về dùng từ, đặt câu, diễn đạt xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng.

Phóng viên tác nghiệp tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Tuyết

Xin nêu một vài ví dụ, trích dẫn từ các báo:

- “Cửa hàng chỉ phục vụ khách đoàn của công ty lữ hành. Người Việt Nam không được vào, thăm quan cũng không được”. Trong câu này, tác giả mắc lỗi dùng sai từ. Từ đúng ở đây phải là “tham quan”.

- “Việc một tuyến đê được đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng, lại vừa được nghiệm thu đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng nay. Được người dân kỳ vọng sẽ là tấm lá chắn “thép” khi mùa mưa lũ năm nay”. Cả hai câu trong ví dụ này đều thuộc loại câu cụt, câu què; câu đầu không có vị ngữ và câu sau không có chủ ngữ.

- “Ứng 50 triệu USD trả nợ, mẹ con Cường đôla vẫn hết lo”. Thiếu một chữ “chưa” (“vẫn chưa hết lo”) khiến câu văn trở nên vô nghĩa.

- “Người livestream khi lái ô tô khiến 1 người tử vong không có bằng lái xe”. Đây là tít của một bài báo. Chả nhẽ “livestream khi lái ô tô” lại “khiến 1 người tử vong” và “người tử vong” ở đây “không có bằng lái xe”?

Những lỗi như trên có thể bắt gặp hằng ngày trên các trang báo, nhất là báo điện tử. Nguyên nhân trước hết là do cá nhân người viết thiếu cẩn trọng. Trong chừng mực nào đó thì những khiếm khuyết nói trên có thể xem như là một sự thiếu tôn trọng đối với độc giả. Cũng không thể không nhắc đến trách nhiệm của tòa soạn, khi đã dễ dãi với những bài viết chưa được kiểm chứng kỹ về nội dung hoặc chưa chuẩn về văn phong, chữ nghĩa.

Để có được những bài “viết hay, viết tốt”, đáp ứng được kì vọng của độc giả, người làm báo phải thường xuyên trau dồi tri thức văn hóa và tri thức tiếng Việt của mình. “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và phải học ở nhân dân” như Bác Hồ đã dạy.

Và nhà báo phải luôn nhớ thiên chức của nghề, gói gọn trong 6 chữ: “trung thực - khách quan - hướng thiện”.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.