Multimedia Đọc Báo in

Đừng để con trẻ “chết” vì… khen!

08:12, 13/06/2022

Cứ đến dịp tổng kết năm học, giấy khen, thành tích học sinh giỏi, xuất sắc lại nở rộ. Nhiều người vô tư khoe kết quả học tập của con em mà không để ý rằng, được khen chưa hẳn đã là tốt cho tương lai con trẻ.

Hồi chúng tôi còn học phổ thông, một lớp có mấy chục học sinh mà cả trường chỉ có chừng 5 – 7 học sinh giỏi, học sinh tiên tiến thì mỗi lớp cũng chỉ mấy người. Học sinh phải cố gắng rất nhiều, cuối năm được nhận giấy khen thì hãnh diện, vui sướng lắm. Bây giờ thì khác, một lớp mà đa phần là học sinh giỏi, khá, chỉ lác đác vài em không được khen.

Phải ghi nhận rằng, chất lượng giáo dục hiện nay được nâng lên, phương pháp giảng dạy có nhiều đổi mới và tố chất của học sinh tốt hơn nhờ được chăm sóc với điều kiện đầy đủ. Tuy nhiên, không thể nói học sinh bây giờ thông minh hơn, giỏi hơn đến mức đại đa số đều giỏi. Vấn đề ở đây là “căn bệnh thành tích” đã ăn sâu vào nhiều trường học, giáo viên và phụ huynh. Những báo cáo, con số được "làm đẹp" vì áp lực thi đua, áp lực thành tích của nhà trường, giáo viên và cả tâm lý con mình phải giỏi của phụ huynh.

Hiện nay, học sinh Tiểu học được khen thưởng đã xứng đáng và vinh dự chưa? (Ảnh: news.zing.vn)
Hiện nay, học sinh Tiểu học được khen thưởng đã xứng đáng và vinh dự chưa? (Ảnh: news.zing.vn)

Tình trạng khen đại trà có thể mang đến những tác dụng ngược. Đối với những em được khen vì thành tích thực chất, hẳn là có em sẽ chế giễu rằng: bạn nọ, bạn kia học lực làng nhàng mà cũng được khen. Các em sẽ có tâm lý giấy khen không còn đáng quý trọng, từ đó nhụt ý chí phấn đấu. Những em này sẽ không hài lòng vì sự cố gắng của bản thân đã không được trân trọng, ghi nhận xứng đáng. Ngược lại, những học sinh “bị” khen lại có suy nghĩ chuyện khen thưởng dễ dãi, không cần phải cố gắng cũng có được thành tích cao. Điều đáng lo lắng là cả những em được khen vì giỏi, xuất sắc thật sự và những em "bị" khen đều có tư tưởng về sự bất công trong trường học và sau này là sự bất công trong xã hội. Từ đó sẽ kìm hãm sự nỗ lực phấn đấu, cạnh tranh trong sáng để vươn lên, khiến sự phát triển về nhân cách của các em trở nên lệch lạc. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài, bởi chính các em là chủ nhân tương lai của đất nước.

Với nhiều phụ huynh, vì mong "nở mày nở mặt" mà muốn con mình phải có thành tích cao, bất kể lực học của con em ra sao. Nhiều đứa trẻ đã bị la mắng, chê bai và bị so sánh với bạn bè chỉ vì không được khen thưởng cuối năm. Làm như thế vô hình trung khiến các em bị tổn thương về tâm lý, trở nên sợ hãi, khép mình, mất tự tin. Từ đó, các em lớn lên với một tâm hồn không trọn vẹn.

Từ những điều đã nói ở trên, thiết nghĩ rằng, người lớn chúng ta đừng “ghét” trẻ em bằng sự "khen" vô tội vạ. Hãy để các em lớn lên với sự hồn nhiên trong tâm hồn và ý thức vươn lên bằng nỗ lực của chính mình.

Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hy vọng rằng, cách tiếp cận, đánh giá học sinh sẽ thực chất hơn, để từ đó những tờ giấy khen không được trao một cách tùy tiện, vô tội vạ. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng "nói không" với căn bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục. Xin mượn lời của một cô giáo đang dạy tại một trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để kết thúc bài viết này: “Thà để học sinh trung bình, còn hơn để xã hội có những người vô ích”!

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.