Multimedia Đọc Báo in

Cần hiểu đúng về “phi vật thể”

08:45, 26/02/2023

Dịp rằm tháng Giêng vừa qua, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) đón chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho không gian và tập tục đón Tết Nguyên tiêu ở phố cổ.

Đây là chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể thứ năm của địa phương này, cùng với nghề gốm Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, khai thác yến sào Thanh Châu và trồng rau Trà Quế.

Không ít người thắc mắc là tại sao những làng nghề, hoạt động làng nghề này, đều gắn liền với sản phẩm, đồ dùng, thực phẩm cụ thể, hữu hình mà lại được cấp chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể?

Diễu hành rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An. Ảnh: Tấn Nguyên
Diễu hành rước danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu ở Hội An. Ảnh: Tấn Nguyên

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra với nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác. Cụ thể như Áo dài Huế, cũng là di sản văn hóa phi vật thể, trong khi ai cũng thấy chiếc áo ngũ thân truyền thống là mẫu vật thể rất rõ ràng, thực tiễn. Quần thể di tích Cố đô Huế, hay phố cổ Hội An, với cầu cống, chùa chiền, những khu nhà ở, những dinh thự công trình đều là vật thể, nhưng tại sao lại cùng được nhìn nhận, công nhận là văn hóa phi vật thể?

Tra cứu lại trong chữ Hán, cùng diễn tả nghĩa là “không”, có nhiều từ được sử dụng, như bất, vô, phi, phủ, phất, mạc… Song trong tiếng Việt, các từ này được thanh lọc dần, phổ biến chỉ có ba từ là bất, phi và vô. Cách sử dụng ba từ này ở ba ngữ cảnh nội dung khác nhau, tạo ra những từ ghép khác hẳn trường nghĩa, mặc dù cùng có một nghĩa chung là phủ định, “không”.

Từ “bất” sẽ luôn đứng trước động từ, tính từ, với nghĩa là không/chẳng (làm, hành động...), không/chẳng (như thế nào, ra sao...). Ví dụ bất động, bất tín…

Từ “vô” sẽ đứng trước danh từ, với nghĩa là chẳng có/không có (người ấy/việc ấy/cái ấy...). Ví dụ vô cảm (xúc), vô năng (lực), vô danh (tiếng)…

Riêng từ “phi”, sẽ chủ yếu đứng trước danh từ, nhưng có nghĩa là chẳng phải/ không phải (cái ấy/ việc ấy/ người ấy...), hay đơn giản hơn, là không/ chẳng dựa vào (cái ấy/ việc ấy/ người ấy…). Điển hình của từ ghép phi, là phi đạo đức, phi nhân tính, phi chính phủ, phi thực tế, phi vật thể…

Nghĩa của từ “phi” như thế rất khác với từ “vô”. Trong khi từ “vô” gần nghĩa với từ “không” hơn, tức là “không có”, thì từ “phi” sẽ làm nghĩa không phải là cái đó, không phải là như thế. Do đó, “phi vật thể” không phải là “không có vật thể”, mà phải hiểu là “không căn cứ vào vật thể”.

Cụ thể, khi nói “văn hóa phi vật thể”, là xét đến những biểu hiện, yếu tố, nội dung biểu hiện văn hóa “không nằm trong cấu trúc vật thể hữu hình của sự việc”. Những công trình, sản phẩm cụ thể có thể cầm nắm được, là hiển thị vật thể, song giá trị văn hóa của thời gian lịch sử và không gian cuộc sống con người lại ẩn chứa phía sau, không hoàn toàn gắn liền với những vật thể đó. Đó chính là các giá trị văn hóa, các giá trị di sản mà những nhà chuyên môn muốn xác nhận. Những giá trị này, có thể nói nằm ngoài vật thể, là hồn phách, tinh hoa, kỹ thuật để chế tác, tạo nên sản phẩm vật thể hữu hình. Di sản văn hóa phi vật thể, chính là giá trị văn hóa tồn tại phía sau các vật thể như vậy.

Cụ thể, văn hóa phi vật thể ở làng nghề gốm Thanh Hà, chính là trình độ tay nghề chế tạo, kỹ thuật làm gốm của những nghệ nhân, của người dân làng gốm, những giá trị tinh hoa được đúc kết truyền đời qua các thế hệ làm gốm, không phải là những cái hũ, cái bình cụ thể. Song qua những cái bình, cái hũ ấy, người ta thấy được, cảm nhận và hiểu được những chi tiết, hình thái, màu sắc… thể hiện trình độ làm gốm của người thợ gốm Thanh Hà. Đó là di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong sản phẩm gốm Thanh Hà…

Tương tự, di sản văn hóa phi vật thể của quần thể phố cổ Hội An, chính là nếp sống, tập tục, lễ nghĩa, các thói quen giao tiếp, ngôn ngữ đời thường… mà cộng đồng người dân Hội An đã truyền qua nhiều đời, trong không gian cụ thể của khu vực phố cổ, nơi có các dãy phố, ngôi đền… là công trình vật thể. Tôn vinh, bảo vệ chính giá trị văn hóa tinh thần, thẩm mỹ ẩn chứa sau không gian đời sống văn hóa ấy, chính bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Như thế, từ dùng “phi vật thể” được sử dụng ở cụm từ “di sản văn hóa phi vật thể” phải được hiểu đúng, là giá trị văn hóa không dựa vào vật thể, những giá trị văn hóa tồn tại phía sau và trường cửu hơn sự hiện hữu của vật thể.

Hiểu đúng như vậy, sẽ không ai thắc mắc về giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hay chiếc áo ngũ thân cũng là một di sản văn hóa phi vật thể.

Khi một chiếc chiêng được mang ra, ấy là vật thể. Nhưng tiếng chiêng vang lên, điệu chiêng được diễn tấu, rồi không gian nghi lễ thờ cúng, tôn xưng thần linh được hiển hiện qua những động tác múa vũ tương quan âm thanh diễn tấu, và thái độ trân trọng, sùng kính của những người tham gia, đó chính là hồn phách thực thụ, giá trị di sản văn hóa phi vật thể đáng được tôn vinh và giữ gìn!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc