Multimedia Đọc Báo in

Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm: Đánh giá đúng để sử dụng đúng cán bộ

08:18, 22/02/2023

Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị có nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ hơn việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đây được xem như một nội dung quan trọng để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ và giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”.

Không là “kênh thông tin” chỉ để tham khảo

Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 262-QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội.

Qua hai nhiệm kỳ triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị, việc triển khai thực hiện Quy định số 262 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, một số trường hợp chưa phản ánh thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín của cán bộ, vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, thiếu khách quan, cảm tính, dĩ hòa vi quý; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, cá biệt có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm với động cơ không trong sáng.

Một số cán bộ có kết quả tín nhiệm cao nhưng sau đó vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa xem xét xử lý kịp thời đối với một số cán bộ tín nhiệm thấp; số lượng cán bộ có uy tín thấp bị miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ và bố trí công tác khác còn ít.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thượng Hải quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương và công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW. Về quan điểm, nguyên tắc, Quy định số 96 kế thừa những quy định của Quy định số 262 và bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với các văn bản của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trong đó nhấn mạnh: làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và sử dụng kết quả tín nhiệm, nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm làm sai lệch mức độ tín nhiệm và lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện theo định kỳ; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở hai nơi gồm công tác và sinh hoạt.

 

“Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

Theo đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đây là điểm mới nổi bật vì trước đây việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một “kênh thông tin” để tham khảo thì bây giờ là một nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và phải được công khai theo quy định. Bộ Chính trị coi việc lấy phiếu tín nhiệm như một biện pháp rất quan trọng để đánh giá đúng cán bộ và đi liền với đánh giá đúng là sắp xếp, bố trí lại cán bộ cho phù hợp với nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ hiện nay.

Giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”

Một điểm mới đáng lưu ý của Quy định số 96 là việc lấy phiếu tín nhiệm có tiêu chí đánh giá rõ ràng, đã được “lượng hóa” trên hai vấn đề lớn của những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chứ không chung chung như trước đây. Đồng thời bổ sung tiêu chí: kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu, ghi rõ số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, kết quả lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, công việc phụ trách. Điều này góp phần hạn chế tình trạng đánh giá chưa thực chất, có nơi chỉ tiêu chưa đạt nhưng kết quả xếp loại tốt, thậm chí xuất sắc.

Cũng theo đồng chí Mai Văn Chính, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có độ tin cậy cao hay thấp phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của người ghi phiếu. Những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng phải thông qua kỳ lấy phiếu này để soi xét lại bản thân mình, “tự soi, tự sửa” để qua kỳ “sát hạch” này đánh giá mình một cách chính xác, đầy đủ, nghiêm túc nhất.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.