Mong manh những cánh rừng pơ mu (kỳ 1)
Những cánh rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông quản lý với nhiều dãy núi cao trên 1.000 m, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao là điều kiện lý tưởng để loài cây pơ mu (nhóm IIA) sinh sống và phát triển. Tuy nhiên, do giá trị của gỗ pơ mu trên thị trường lớn nên lâm tặc tìm mọi cách để khai thác trái phép, khiến việc bảo vệ rừng pơ mu quý hiếm gặp rất nhiều áp lực.
Thiên đường pơ mu
Nằm sâu trong vùng lõi rừng phòng hộ thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, tiểu khu 1219 nằm trên những đỉnh cao với diện tích rộng hơn 1.400 ha là nơi cây pơ mu phân bố nhiều nhất. Ở đây, loài cây pơ mu gần như thống trị về cả số lượng cây và sự to lớn của chúng.
Cơm nắm giữ rừng quý
Với chiếc ba lô chất đầy gạo, muối, màn mùng, xoong nồi,… chúng tôi hành quân đến tiểu khu 1219 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (gọi tắt là Công ty).
Rừng chào đón chúng tôi bằng những dãy núi cao, những con dốc dựng đứng, bước đi đầu gối chạm mặt. Mới vượt được con dốc đầu tiên, thấy tôi "say núi", anh Đoàn Văn Thành, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng trong đoàn động viên: "Cố lên chú! Pơ mu nó đóng ở những đỉnh núi cao nhất của rừng nên vào được đó còn phải chinh phục nhiều con dốc nữa". Đúng như lời anh Thành nói, đằng đẵng một ngày trời vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng, dài dằng dặc, vực sâu hun hút chúng tôi vẫn chưa thấy bóng dáng của cây pơ mu nào.
Một cây pơ mu tại tiểu khu 1219 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. |
Trời chuyển dần về tối, anh Thành, quyết định chọn vị trí đóng lán nghỉ ngơi qua đêm bên cạnh vách đá, phía trước có một con suối chảy qua. Ai nấy nhanh chóng lấy tư trang trong ba lô của mình ra, rồi tìm cho mình một vị trí mắc võng để nghỉ. Những chiếc võng mắc vắt vẻo trên những cây rừng, phía trên căng thêm tấm ni lông để phòng khi trời mưa. Xong đâu đó, mọi người trong đoàn bắt đầu chuẩn bị cho bữa ăn tối.
Anh Trần Thanh Thảo, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty cầm nắm rau cải đã héo quắt sau một ngày phơi nắng suốt quãng đường vào rừng xuống suối rửa. “Ở đây, mỗi chuyến tuần tra rừng thường kéo dài cả tuần, chỉ ngày đầu tiên là bữa ăn có thịt và rau mang từ ngoài vào, còn lại những ngày sau đó thì phải ăn cá khô với rau rừng", anh Thảo cho hay.
Cây pơ mu (tên khoa học là Fokienia) thuộc nhóm II A - nhóm thực vật rừng quý hiếm. Pơ mu là loại cây thân gỗ lá thường xanh, cây trưởng thành có chiều cao khoảng 25 - 30 m. Tại Việt Nam, pơ mu mọc trên các địa hình đất đá vôi hay đất nguồn gốc granit từ độ cao 900 m trở lên.
|
Mặt trời tắt sớm hơn dưới tán rừng già. Bữa cơm dưới ánh sáng leo lét của bếp lửa nhanh chóng kết thúc, ai nấy quay về những chiếc võng của mình đã mắc làm chỗ ngủ qua đêm. Những chiếc võng lắc lư giữa màn đêm tịnh mịch đưa mọi người vào giấc ngủ, xung quanh văng vẳng âm thanh của ếch nhái, muông thú kêu đêm và tiếng gió rít qua cành lá. Trời càng về khuya, nhiệt độ xuống thấp, từng làn sương mỏng, lạnh buốt bao phủ cơ thể. Những cái trở mình nặng nhọc, mệt mỏi sau một ngày dài vật lộn với những con đường núi dốc...
Sáng sớm, bữa cơm đơn giản với cá khô và rau được dọn ra. Ai nấy đều cố gắng ăn thật nhiều để lấy sức chinh phục tiếp quãng đường đồi dốc còn lại đi vào "xứ sở" pơ mu. Xong bữa, anh Thảo bắt đầu hì hục chuẩn bị bữa trưa cho đoàn. Mỗi người một nắm cơm để trong túi ni lông với thức ăn là một ít sườn kho. “Tuần tra rừng ăn uống chỉ đơn giản vậy thôi, không cần chén đũa, cứ cơm nắm cho xong bữa. Miễn no để có sức leo núi là được.”, anh Thảo cười nói.
Chạm vào những “đại mộc lão” pơ mu
Sau gần 2 ngày ròng rã vật lộn với những con dốc dựng đứng, vực sâu hun hút chúng tôi cũng đặt chân được đến tiểu khu 1219 - nơi được ví là thiên đường của cây pơ mu. Trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Đứng dưới tán rừng, cảm giác mát lạnh xâm chiếm khắp cơ thể, dù mặt trời vẫn chói chang trên tán lá rừng.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra vị trí trong một chuyến tuần tra tại khu vực rừng pơ mu phân bố. |
Chỉ tay về phía một cây rừng lớn, tán lá um tùm, anh Chu Minh Quang, Phó Phân trường 2 (phân trường được giao quản lý tiểu khu 1219) của Công ty hào hứng: “Pơ mu đó kìa!”. Hướng về phía tay anh Quang chỉ, một cây to lớn, đường kính 2 người ôm không xuể, rêu bám xanh quanh gốc, chiều cao khoảng 30 m vươn cành lá sum suê che kín cả một khoảng rừng rộng. “Ở đây, nhận biết pơ mu rất dễ vì chúng là loài thực vật to lớn, vạm vỡ nhất”, nói rồi anh Quang dẫn chúng tôi đi tiếp để chứng minh cho điều này. Quả thật, ở xung quanh nơi những cây pơ mu sinh sống không thấy loài cây nào có thân hình to lớn hơn chúng.
Một cây, hai cây, ba cây… tôi vừa đi vừa đếm. Nghe vậy, anh Đoàn Văn Thành, cán bộ Phòng Quản lý, bảo vệ rừng của Công ty cười bảo: “Chú đếm chi cho mệt. Những nhân viên bảo vệ rừng tuần tra thường xuyên ở đây cũng không đếm hết được rừng mình quản lý có bao nhiêu cây pơ mu. Bởi với độ cao, lập địa phù hợp chúng phân bố rất nhiều”.
Chỉ trong vòng một buổi len lỏi dưới tán rừng, chúng tôi bắt gặp được cả trăm cây pơ mu. Bên cạnh rất nhiều cây pơ mu cổ thụ 3 - 4 người ôm còn có cả những cây pơ mu non nớt cũng đang vươn mình lớn lên giữa rừng già.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc