Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc các cơ quan nội chính
Sáng 15-9, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng các cơ quan nội chính Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam) |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cùng các cơ quan trong khối nội chính.
Hội nghị đã được nghe đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, các cơ quan nội chính đã nỗ lực, quyết tâm cao, tăng cường đoàn kết, phối hợp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, nổi bật. Các cơ quan nội chính đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh; xứng đáng là lực lượng nòng cốt, trung kiên, tin cậy, là “thanh bảo kiếm” sắc bén, là “lá chắn” vững chắc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Các cơ quan điều tra đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự và giải quyết các vụ án đã khởi tố đạt tỷ lệ cao; Viện KSND đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, góp phần kiểm soát quyền lực tư pháp; TAND có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết vụ việc, xét xử các vụ án đạt tỷ lệ cao; công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán được thực hiện quyết liệt…
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để tham luận, trao đổi, thảo luận về công tác nội chính trong nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tham luận tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã có tham luận: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đồng chí Lê Văn Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk tham luận tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp, cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan nội chính. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các đồng chí đã tạo dựng được hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong lòng nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Các cơ quan nội chính phải nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; dự báo đúng tình hình, tham mưu đúng với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, giải pháp kịp thời, có chương trình hành động cụ thể, chặt chẽ, bài bản, khoa học; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình; xây dựng chương trình hành động để kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực nội chính một cách chặt chẽ, bài bản; tăng cường quốc phòng - an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan nội chính và giữa các cơ quan nội chính với các cấp, các ngành bảo đảm chặt chẽ, thường xuyên, nhịp nhàng, kịp thời và hiệu quả; trong thực thi nhiệm vụ phải thực sự gương mẫu, công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, luật pháp và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật; tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND, Viện KSND, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng, tư pháp; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết hợp chặt chẽ, tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc