Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV:
Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh COVID-19
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 8-11, Quốc hội đã bắt đầu đợt họp thứ 2 (đợt họp tập trung) tại Nhà Quốc hội.
Tham dự phiên họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV, các khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan. Riêng Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tiếp tục tham gia họp trực tuyến để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các ĐBQH tham dự phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trong đợt họp này, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết kỳ họp.
Trong phiên thảo luận, đã có 60 đại biểu đóng góp ý kiến đối với những nội dung của các tờ trình, báo cáo, báo cáo thẩm tra. Hầu hết các vị ĐBQH đã đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng tình hình, kết quả đã đạt được, những hạn chế yếu kém; chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là hiến kế thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch COVID-19; những tình huống và giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công; quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đóng góp ý kiến tại phiên họp. Ảnh:quochoi.vn |
Đóng góp ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: Hiện nay đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vì vậy Quốc hội, Chính phủ cần tập trung cao hơn các nguồn vốn từ năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tập trung đầu tư này nhằm giúp rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng miền, giữa thành thị và miền núi, cũng như giúp tăng cường giữ vững, đảm bảo thế trận quốc phòng - an ninh tại địa bàn chiến lược. Vì vậy, đề xuất Bộ Chính trị và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo ra cú hích đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…
Ngày mai (9-11), Quốc hội tiếp tục thảo luận đối với các nội dung trên; các thành viên của Chính phủ cũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề mà ĐBQH nêu. Phiên họp ngày mai vẫn tiếp tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc