Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với đoàn công tác Tỉnh ủy Đồng Nai
Chiều 10/6, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đồng Nai do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Tỉnh ủy Đắk Lắk, để tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và kết quả phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Thông tin với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, với 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước) và gần 42.000 ha diện tích mặt nước. Là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối (số giờ nắng trong ngày cao, bức xạ nhiệt trung bình khoảng 4,7 - 5 kWh/m2/ngày; vận tốc gió trung bình hằng năm trên 6m/giây).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước được 23.623,8 tỷ đồng (bằng 41,98% kế hoạch năm); tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện được 845 triệu USD (bằng 70,4% kế hoạch); thu ngân sách Nhà nước ước được 4.655 tỷ đồng (bằng 56,77% kế hoạch); có 670 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 10.576 doanh nghiệp...
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc. |
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy thủy điện đã hoàn thành xây dựng đi vào vận hành với tổng công suất 833 MW và 1 dự án thủy điện công suất 8,6 MW mới được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch, hiện đang triển khai các thủ tục đầu tư. Hằng năm, các nhà máy thủy điện đã sản xuất, truyền tải lên hệ thống điện quốc gia khoảng 3,5 - 3,8 tỷ kWh. Các công trình thủy điện đưa vào hoạt động đã tạo nguồn thu vào ngân sách địa phương khoảng 600 - 800 tỷ đồng/năm; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ đầu tư các dự án thủy điện đã tham gia tích cực trong công tác an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong vùng phát triển du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thủy điện. Các hồ thủy điện lớn có tác dụng giúp điều tiết, cung cấp nước sản xuất vào mùa khô và cắt lũ vào mùa mưa cho vùng hạ du...
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tiềm năng, cơ hội của tỉnh Đồng Nai. Theo đó, về vị trí địa lý, Đồng Nai được xem là “vòng xoay”, trung tâm vùng Đông Nam bộ, có tiềm năng, lợi thế rất lớn về giao thương, liên kết đối với các tỉnh trong khu vực. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ có 5 tuyến cao tốc đi qua và dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (diện tích khoảng 5.000 ha, gấp 10 lần diện tích sân bay Tân Sơn Nhất và là 1 trong 8 sân bay lớn nhất Châu Á) với 4 nhà ga, 4 đường băng.
Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk (bên trái) tặng quà lưu niệm Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đồng Nai. |
Đồng Nai cũng có 32 khu công nghiệp, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; hằng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 63.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng có tiềm năng, lợi thế để phát triển các công trình thủy điện dựa trên hệ thống sông Đồng Nai. Địa phương cũng đang chú trọng kêu gọi đầu tư, học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành để phát triển các công trình thủy điện với quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tình hình mới...
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đồng Nai (bên phải) tặng quà lưu niệm Tỉnh ủy Đắk Lắk. |
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo hai tỉnh đã trao đổi một số nội dung nhằm thúc đẩy việc liên kết, hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian tới như: Kinh nghiệm, năng lực quản lý trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại điện tử, hạ tầng thương mại...; kinh nghiệm xây dựng chính sách quản lý và phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại. Hợp tác xây dựng cơ chế, chích sách để cắt giảm chi phí logistics, các chi phí liên quan trong quá trình lưu thông, tiêu thụ mặt hàng nông sản của nhau. Hỗ trợ trong công tác giới thiệu và giải quyết việc làm cho lao động phổ thông tại các doanh nghiệp. Phối hợp trong việc khảo sát các tour, tuyến, điểm du lịch nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc