Multimedia Đọc Báo in

Tiêu dùng xanh: Chưa dễ để nhân rộng

08:29, 12/08/2022

Tiêu dùng xanh là xu hướng tiêu dùng tích cực vì bảo vệ môi trường và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "rào cản" khiến xu hướng tiêu dùng này chưa dễ nhân rộng.

Nhu cầu tiêu dùng “xanh hóa”

Tiêu dùng xanh là việc mua, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa hệ sinh thái tự nhiên. Đây là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, với việc tập trung vào các mục tiêu: xanh hóa sản xuất; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững...

Trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động tiêu dùng xanh được cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng ứng, như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh; sử dụng ống hút tre, giấy, tinh bột thay cho ống hút nhựa; sử dụng túi vải, thùng giấy đựng hàng hóa thay túi ni lông; xách giỏ nhựa để đi chợ... Nỗ lực này, trước hết có đóng góp đáng ghi nhận của nhà sản xuất, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Sản xuất dầu gội bồ kết tại Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Đại Gia Nguyên. Ả

Từ năm 2019, Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Đại Gia Nguyên (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) chào thị trường với các sản phẩm dầu gội chiết xuất từ trái bồ kết, hoàn toàn thiên nhiên. Xâm nhập thị trường bằng dòng hóa mỹ phẩm "nói không với hoá chất", “xanh và sạch”, công ty đang gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, sản phẩm dầu gội bồ kết do đơn vị làm ra vẫn tiêu thụ tốt tại 10 tỉnh thành trong cả nước thông qua kênh bán hàng truyền thống và online. Lượng tiêu thụ mỗi tháng 2.000 - 3.000 sản phẩm. Ông Đoàn Tấn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Đại Gia Nguyên cho biết, công ty xác định xây dựng chiến lược kinh doanh gắn với các giá trị sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường. Chất lượng sản phẩm xanh trở thành lợi thế cạnh tranh của đơn vị.

Ở kênh phân phối, những siêu thị như MM Mega Market Buôn Ma Thuột, Co.opmart Buôn Ma Thuột... là đơn vị tiên phong tham gia trưng bày, bày bán sản phẩm xanh và có nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng xanh. Điều này đóng góp một phần quan trọng thay đổi ý thức, thói quen của người tiêu dùng. Theo đại diện Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột, từ 2018, siêu thị không dùng túi ni lông có hại cho môi trường để đóng hàng hóa cho khách. Thay vào đó, sử dụng các loại thùng giấy để đóng hàng, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để sử dụng trong hệ thống... Tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, hàng năm, đơn vị đều triển khai “Tháng tiêu dùng xanh” với nhiều hoạt động thiết thực khuyến khích khách hàng chọn mua sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng. Trong đó, giảm giá đến 40% khi mua sản phẩm thực phẩm thân thiện với môi trường, kèm theo các chương trình tặng điểm thưởng khi sử dụng túi sử dụng nhiều lần của Co.opmart khi đến siêu thị mua hàng...

Vẫn còn nhiều “rào cản”

Hiện đã có nhiều người tiêu dùng địa phương ngày càng quan tâm đến tiêu dùng thông minh, bền vững. Họ ý thức và có nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường trong cuộc sống thường nhật của mình.

Chị Phạm Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn kiên định với lựa chọn các sản phẩm xanh. Mỗi ngày đi chợ, chị không quên mang giỏ nhựa hoặc bao bì dùng nhiều lần để đựng thức ăn đã mua hoặc dùng túi sinh học tự hủy. Sử dụng các sản phẩm trong sinh hoạt hằng ngày, chị ưu tiên dòng sản phẩm dán nhãn xanh, tiết kiệm năng lượng, không gây hại cho môi trường.

Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột dùng túi sinh học tự hủy để gói hàng và kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm bao bì.

Tiêu dùng xanh đang trở thành lối sống, thói quen tiêu dùng tích cực của nhiều người tiêu dùng địa phương. Tuy nhiên, việc thúc đẩy quá trình sản xuất, nhân rộng tiêu dùng “sản phẩm xanh” còn gặp phải khá nhiều khó khăn. Trước hết, sự thay đổi này “vấp” phải ý kiến trái chiều của người tiêu dùng. Đại diện Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột cho hay, việc dùng thùng giấy để đóng hàng hóa cho khách sẽ mất nhiều thời gian hơn và cũng không thuận tiện trong quá trình vận chuyển so với việc dùng túi ni lông, thậm chí có khách hàng chưa thông hiểu khiến đơn vị còn mất đi cơ hội bán hàng. Điều này đồng nghĩa với việc siêu thị phải bố trí thêm nhân lực để hỗ trợ khách, bên cạnh đó, kiên trì, nhã nhặn giải thích cho khách hàng thấu hiểu và đồng tình ủng hộ. Riêng với việc gói hàng bằng túi ni lông sinh học, thân thiện với môi trường đối với hàng thực phẩm tươi sống, siêu thị chấp nhận tăng chi phí hơn 30% so với túi thông thường.

Đối với người tiêu dùng, ở ngành hàng may mặc thì thời trang bền vững đang ngày được "tín đồ" thời trang ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Hường (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho hay, chị rất yêu thích những chiếc túi, phụ kiện đan từ sợi đay, sợi cói hay thổ cẩm - sản vật văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, chị vẫn chưa có nhiều lựa chọn. “Hiện, các sản phẩm ở ngành hàng này trên thị trường có mẫu mã chưa đa dạng, trong tỉnh cũng chưa có nhiều nơi bán để khách có cơ hội tìm hiểu, chọn mua”, chị Hường nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, có hai yếu tố cơ bản mà các doanh nghiệp cần quan tâm để thúc đẩy tiêu dùng xanh, đó là tạo ra ý định tiêu dùng xanh cho người tiêu dùng và tính sẵn có của sản phẩm. Do đó, để hướng đến mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của cơ quan chức năng, địa phương để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, sản phẩm xanh...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.