Chặn dòng Hồ chứa nước Krông Pách thượng: Kết quả từ sự quyết tâm và đồng hành
Sáng 22/3, Công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng chính thức chặn dòng, tích nước. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp của địa phương và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên vùng dự án và khu vực lân cận.
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt chủ trương từ năm 2009. Đến năm 2011, dự án thuộc diện các công trình phải giãn hoãn tiến độ nên năm 2013 mới chính thức khởi động. Tính đến nay, dự án đã được thực hiện hơn 10 năm và đã có một số lần điều chỉnh khiến tổng mức đầu tư tăng lên.
Sự đồng hành của hệ thống chính trị
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Công trình đi qua 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông và Krông Pắc. Quy mô lớn, diện tích ảnh hưởng rộng nên quá trình triển khai dự án đối mặt với nhiều khó khăn, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk mới có thể chặn dòng vào thời điểm hiện tại.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và các đại biểu tham dự buổi Lễ chặn dòng, tích nước Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. |
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, quá trình triển khai dự án này có nhiều phát sinh, đầu tiên là mặt bằng, để triển khai dự án này phải di dời 810 hộ dân, trong đó riêng khu vực hồ Krông Pách thượng di dời 720 hộ, còn lại là 90 hộ tại khu vực hồ Ea Rớt. Ngoài ra còn hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Khó nhất trong di dời dân cư ở địa bàn Tây Nguyên nói chung và tại Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng nói riêng chính là nguồn gốc đất. Bởi ở vùng sâu, vùng xa Tây Nguyên có tình trạng di dân tự do, cộng với việc quản lý chưa tốt của địa phương dẫn đến công tác xác định nguồn gốc đất đai gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thực hiện dự án, chính sách hỗ trợ đền bù thay đổi 4 lần, mỗi lần thay đổi mức chi phí cao hơn lần trước. Ban đầu dự kiến kinh phí tái định cư khoảng 500 tỷ đồng, đến bây giờ phải cộng thêm 1.400 tỷ đồng do thay đổi chính sách, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí đủ vốn cho dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, khu tái định cư phải đảm bảo nơi ở mới hơn nơi ở cũ. Các tiêu chí này tùy thuộc vào chủ đầu tư phối hợp địa phương xác định rõ theo từng dự án cụ thể, song phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, chỗ ở (điện, đường, trường, trạm…). Khi chọn đất tái định cư phải rộng, phù hợp quy hoạch, thuận tiện về giao thông. Đơn cử, đối với khu tái định cư số 2 của dự án này cách đường chính chỉ vài trăm mét, ngoài ra khu vực này cũng có đường cao tốc đi qua, giá trị đất sẽ tăng lên, diện mạo vùng quê sẽ thay đổi. Cùng với đó phải đảm bảo cho hoạt động sản xuất của người dân khu tái định cư. Bài học lớn trong lịch sử về việc bố trí tái định cư là chỉ xây nhà cho người tái định cư, thậm chí xây giống nhau. Nhưng với dự án này, chỉ bố trí đất, còn việc xây nhà thì để người dân làm phù hợp theo văn hóa của họ.
Phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng có hai hồ chứa nước gồm: hồ Ea Rớt có dung tích gần 20 triệu m3 nước, nhiệm vụ tưới cho gần 2.150 ha, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước cho vùng hạ lưu, trong đó có khu tái định cư số 1 (nay là thôn Yang San, xã Cư Elang, huyện Ea Kar); hồ Krông Pách thượng có dung tích 123 triệu m3 nước, phục vụ nước tưới cho khoảng 12.000 ha ở khu vực huyện Ea Kar và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân.
Phương tiện, máy móc thực hiện lấp đất, chặn dòng công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng. |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đối với giai đoạn 2 của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, Bộ đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.120 tỷ đồng để hoàn thiện toàn bộ hệ thống kênh mương trong năm 2025, đảm bảo đáp ứng tất cả mục tiêu ban đầu mà dự án đã đề ra. |
Trong khuôn khổ buổi lễ chặn dòng, tích nước dự án này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê cho biết, Tây Nguyên là một trong những vùng mà tỷ lệ nước tưới cho đất nông nghiệp rất thấp so với mức bình quân chung cả nước; riêng tỉnh Đắk Lắk, hiện nay nguồn nước tưới thủy lợi mới đáp ứng được 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh, thấp nhất trong vùng. Tỉnh xác định đây là công trình trọng điểm nên tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan để triển khai dự án. Về phía tỉnh, đã thành lập Ban Chỉ đạo để sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án. Hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án đã chặn dòng, tiến tới hoàn thiện, rất có ý nghĩa cho địa phương. Hồ chứa nước Krông Pách thượng là một trong ba công trình thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, từ đó góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng dự án.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định, sau khi hoàn thiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng thì đời sống của người dân vùng dự án chắc chắn sẽ có bước phát triển. Việc ổn định nguồn nước cho khu vực Tây Nguyên nói chung và khu vực 4 huyện được hưởng lợi từ dự án này nói riêng rất quan trọng đối với vấn đề an ninh nguồn nước tại đây. Bởi, hiện nay toàn bộ nguồn nước tưới của khu vực Tây Nguyên, diện tích tưới chủ động của các công trình thủy lợi chỉ mới đáp ứng được 27% là rất thấp, trong khi trên cả nước, hệ thống thủy lợi đáp ứng gần 60% diện tích. Trong đó có những khu vực tưới rất lớn như đồng bằng sông Hồng hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới chủ động trên 98%. Vấn đề thứ hai, Tây Nguyên luôn là vùng “khát nước”, khu vực này đất đai rất tốt, chỉ cần có nguồn nước, chắc chắn sẽ tái cơ cấu nông nghiệp mới thành công. Như vậy, hồ Krông Pách thượng sẽ góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả vùng. Dự án này hoàn thành sẽ là hạ tầng rất quan trọng để tỉnh Đắk Lắk kết hợp làm các hoạt động khác đa mục tiêu như: Cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho các khu công nghiệp công nghệ cao của địa phương; phát triển du lịch, điều hòa khí hậu. Bởi khu vực này được quy hoạch có đường cao tốc đi qua, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc