Tăng trách nhiệm của người đứng đầu
Những năm qua, ngành giáo dục đã có sự phân cấp cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý, điều hành toàn ngành. Trong đó trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục gắn với nhiệm vụ nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục toàn diện.
Đổi mới tư duy
Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập nêu rõ: người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đúng mục đích, công bằng, công khai, minh bạch; tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định...
Giáo viên và học sinh Trường THCS và THPT Đông Du phấn khởi trong ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024. |
Năm học 2023 – 2024 toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở giáo dục với gần 500 nghìn trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Trên bình diện chung, các cơ sở giáo dục đã triển khai đồng bộ việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục toàn diện thông qua thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Trong xu thế đó, việc đổi mới tư duy người đứng đầu để hoạt động đổi mới giáo dục toàn diện thực sự đi vào chiều sâu là vấn đề then chốt, bởi người đứng đầu tác động trực tiếp đến triết lý, kế hoạch, hành động của từng trường học.
Theo TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, người đứng đầu nhà trường - Hiệu trưởng phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ nhà giáo hoàn thành mục tiêu giáo dục của trường, đặc biệt là thực hiện sứ mệnh đổi mới giáo dục toàn diện tại cơ sở giáo dục. Hiệu trưởng phải có năng lực quản lý, quản trị, phải tạo dựng được uy tín của người lãnh đạo, tạo sự đoàn kết nội bộ trong trường; truyền cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho giáo viên, học sinh nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học; duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục…
Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
|
Những năm qua, ngành giáo dục Đắk Lắk đã nỗ lực xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT; tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn mức cao. Việc tạo cán bộ nguồn phát triển từ cán bộ quản lý ngành giáo dục cho địa phương cũng được quan tâm qua đánh giá thực hiện đổi mới giáo dục; lựa chọn cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới thật sự hiệu quả. Quan tâm đầu tư nguồn lực cho giáo dục địa phương một cách đồng bộ cả về con người, cơ sở vật chất để cán bộ quản lý có điều kiện thể hiện vai trò của mình trong đổi mới giáo dục.
Tập trung quản trị trường học
Đắk Lắk là tỉnh đặc thù với 49 dân tộc anh em sinh sống; học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 35%; địa bàn rộng, hoạt động giáo dục vẫn còn sự chênh lệch nhất định về đội ngũ giáo viên, điều kiện học tập, năng lực học tập của học sinh giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa... Do đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục phải nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và đổi mới công tác điều hành từ quản lý sang quản trị nhà trường nhằm tự tạo sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với địa bàn trường đứng chân và chỉ đạo của ngành để có thể thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp…
Các thí sinh đoạt giải tại Vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ I, năm học 2022 - 2023 do Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức. |
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, trong đổi mới giáo dục toàn diện toàn ngành, bản thân hiệu trưởng phải tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, lãnh đạo nhà trường. Tiên phong tìm kiếm cái mới, cái hay và khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm đến điều kiện của những học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh người dân tộc thiểu số; luôn đồng hành, hỗ trợ cùng đội ngũ giáo viên và học sinh trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục. “Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu xác định tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu của đơn vị, đến xây dựng kế hoạch và huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch nhằm đạt mục tiêu đã định”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc