Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp đơn hàng nông sản "xuất ngoại"

08:19, 19/02/2024

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, khí thế sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đắk Lắk đã rất nhộn nhịp, một số đơn vị đã có những lô hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Từ mặt hàng chủ lực cà phê...

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái (gọi tắt là Công ty An Thái), ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngày mùng 6 Tết (nhằm ngày 15/2/2024) tất cả công nhân đã trở lại nhà máy làm việc bình thường, bắt kịp tiến độ sản xuất. Bà Vũ Thị Mỹ Hằng, Quản đốc xưởng thành phẩm Công ty An Thái chia sẻ, công nhân được nghỉ Tết 7 ngày theo lịch của Nhà nước nên ngay sau kỳ nghỉ, tất cả nhân công của xưởng đã quay trở lại làm việc theo đúng thời gian quy định và thực hiện công việc theo kế hoạch đã được lãnh đạo giao với tinh thần hăng hái.

Công nhân Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 chuẩn bị cà phê xuất khẩu cho lô hàng đầu năm. Ảnh: K. Lê

Theo Tổng Giám đốc Công ty An Thái Nguyễn Xuân Lợi, trong khi Việt Nam và một số nước Đông Nam Á nghỉ Tết cổ truyền thì các nước phương Tây không nghỉ nên có thể gây thâm hụt nguồn cung một số sản phẩm, trong đó có cà phê. Vì vậy ngay ngày mùng 6 Tết, 300 lao động của công ty (trong đó mảng cà phê có khoảng 150 lao động) đã đồng loạt ra quân để bảo đảm tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Theo kế hoạch, năm 2024, công ty sẽ sản xuất và xuất khẩu trên 3.000 tấn cà phê chế biến (tăng khoảng 20% so với năm trước).

Còn với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, ngay khi vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, tại các nhà máy của đơn vị đã hoạt động nhộn nhịp trở lại với nhiều đơn hàng. Toàn công ty đang nỗ lực phấn đấu trong 14 ngày ra quân sau Tết sẽ hoàn thành 500 container hàng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là đơn hàng xuất khẩu cà phê.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 chia sẻ, ngày đầu tiên của năm mới, công ty đã xuất 572 tấn cà phê ra thị trường nước ngoài. Theo kế hoạch, đến hết tháng 2/2024, công ty sẽ xuất khẩu 11.000 tấn cà phê và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu 125.000 tấn cà phê trong năm 2024.

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tới 210.000 tấn (tăng 48% về lượng), với kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD (tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Đắk Lắk chiếm 2/3 sản lượng và giá trị cà phê xuất khẩu của cả nước. Việc xuất khẩu cà phê tăng cả lượng và giá trị trong những ngày đầu năm mới 2024 là tín hiệu vui để các DN trong tỉnh kỳ vọng về một năm nhiều thành công trong hoạt động xuất khẩu cà phê.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Huyện ủy Krông Pắc tham quan cơ sở chế biến của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung. Ảnh: Nga Thuận

Chuối tươi vươn ra thị trường châu Á

 

“Cần khai thác, tận dụng hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hình thành các ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, đảm bảo tăng trưởng bền vững" -  Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị.

Ngay mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (Công ty BBF) trên địa bàn huyện M’Drắk đã xuất khẩu 3 container chuối tươi (6 tấn) sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty BBF cho biết, để hoàn thành đơn hàng khai xuân này, từ mùng 3 Tết, công nhân của công ty đã ra quân triển khai thu hoạch, sơ chế, đóng gói. Toàn bộ số chuối xuất khẩu được trồng, sơ chế, đóng gói tại vùng nguyên liệu huyện M'Drắk. Tuy nhiên, năm nay thời tiết lạnh, chuối chậm phát triển nên sản lượng đầu năm mới chỉ có 6 tấn để xuất cho những đơn hàng đặt trước.

Với 100 ha chuối được trồng bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, sản xuất theo mô hình tuần hoàn, sản lượng bình quân đạt 8.000 tấn/năm và có nhiều đối tác ở Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặt vấn đề muốn nhập hàng, nhưng công ty chưa đủ sản phẩm để xuất đi trong dịp này. Hiện công ty đang lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích để có đủ sản lượng xuất khẩu cho các thị trường có sẵn và hướng đến thị trường châu Âu, Dubai, Mông Cổ…

Công nhân của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm sơ chế chuối trước khi đóng gói. Ảnh: M. Thuận

Đắk Lắk hiện có gần 2.000 ha chuối (sản lượng đạt gần 50.300 tấn), trong đó đã xây dựng được 7 mã vùng trồng, với diện tích 540 ha. Chuối cấy mô trồng ở Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực châu Á...

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuối là một trong những mặt hàng nông sản rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Đắk Lắk. Thời gian qua, nhiều DN đã liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất chuối tập trung để xuất khẩu sang nhiều quốc gia và mang lại hiệu quả cao. Để khai thác tốt tiềm năng về phát triển vùng nguyên liệu chuối cấy mô phục vụ xuất khẩu, tỉnh đang có nhiều giải pháp thu hút các DN đầu tư và mở rộng vùng trồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở những địa phương khó khăn.

Minh Thuận - Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.