Multimedia Đọc Báo in

Giá nông sản tăng, càng cần chú trọng chuỗi cung ứng

08:43, 16/04/2024

Tại hội nghị giao ban kinh tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đầu tháng 4/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng phức tạp trong xây dựng chuỗi cung ứng rau quả, nông sản hiện nay.

Báo cáo của Hiệp hội Rau quả cho rằng, kết quả tăng trưởng nhanh của ngành rau quả Việt Nam gần đây là đáng ghi nhận, nhưng đi kèm là nhiều nguy cơ, thực trạng bất cập mà nếu không chấn chỉnh sẽ làm nguy hại đến hình ảnh sản phẩm nông sản nước nhà trong mắt người tiêu dùng, lâu dài có thể tổn hại uy tín và năng lực cạnh tranh của rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Những nguy cơ trên thị trường

Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh hai vấn đề sẽ gây tác động tiêu cực đến thị trường rau quả và nông sản nước nhà.

Thứ nhất, về chất lượng và độ an toàn với người sử dụng, sản phẩm rau quả Việt Nam lâu nay có tỷ lệ không đồng nhất cao, tỷ lệ đạt các tiêu chuẩn, quy định là thấp; tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm hóa chất, kim loại nặng vượt mức cho phép xảy ra khá thường xuyên.

Ngay đầu năm 2024, đã có một số lô hàng như ớt, sầu riêng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng (cadimi).

Công nhân Công ty TNHH Ban Mê Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) sơ chế, đóng gói cà chua Nova. Ảnh: Minh Thuận

Thứ hai, tình trạng bất tín trong giao dịch thương mại là phổ biến, nạn hủy bỏ giao kèo, cam kết hoặc vi phạm hợp đồng vẫn xảy ra khi giá thị trường tăng cao. Tình trạng cò mồi, thương lái đẩy, thổi giá, tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, sự tham gia quá sâu, núp bóng người Việt của người mua nước ngoài vào chuỗi cung ứng nội địa đã làm các doanh nghiệp Việt Nam thua ngay trên sân nhà, phá vỡ các chuỗi cung ứng trong sản xuất của nước nhà.

Theo một số doanh nghiệp chế biến nông sản, hai vấn đề trên đã tồn tại nhiều năm, thị trường càng biến động càng phổ biến.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ, nhất là nạn “bất tín” về hợp đồng ký kết, rất cần các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm để lập lại trật tự mua bán. Nhiều cá nhân, tổ chức hợp tác với doanh nghiệp về hàng hóa xuất khẩu lại không tuân thủ các tiêu chí, đánh tráo hàng kém chất lượng; khi thị trường lên giá lập tức “bẻ cọc”. Không ít doanh nghiệp “điêu đứng” vì sự vi phạm hợp đồng của người nông dân. Khi mùa vụ cao giá, người bán đẩy hàng cho thương lái; khi giảm giá lại thúc ép doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm theo các hợp đồng đã ký…

Bốn yêu cầu về chuỗi cung ứng

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình hình tăng giá của thị trường hiện nay là tín hiệu tốt, khẳng định cơ hội xác tín chất lượng, giá trị nông sản Việt với thị trường bên ngoài. Vì vậy, yêu cầu củng cố, định vị chất lượng nông sản trong chuỗi cung ứng càng cần được chú ý.

Công nhân của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đang thực hiện quy trình đóng gói sản phẩm chuối để xuất khẩu. Ảnh: Minh Thuận

Đã đến lúc các cơ quan quản lý, chuyên môn, chính quyền và cộng đồng các doanh nghiệp phải có giải pháp, quyết sách tích cực, xây dựng tốt chuỗi cung ứng nông sản nước nhà. Chuỗi cung ứng chặt chẽ sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa các bên mua bán trên thị trường, nhất là ý thức hợp tác của người nông dân về tiêu thụ nông sản. Chí ít có bốn yêu cầu cần đặt ra về đầu tư, phát triển thị trường nông sản hiện nay:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành và địa phương cần sớm có những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc về cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại trật tự bình đẳng cho tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng rau quả, nông sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong đó, kỷ luật hợp tác trong cam kết hợp đồng giữa nông dân và các doanh nghiệp phải được tuân thủ.

Thứ hai, các cơ quan ngoại giao kinh tế từ bên ngoài cho đến các sở, ngành địa phương cần có những bộ phận nghiên cứu về thị trường, khách hàng để hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp định dạng sản phẩm theo hướng giảm dần xuất thô, xuất tươi, chú ý đến chế biến chuyên sâu, nâng cao giá trị hàng hóa và tìm kiếm được những thị phần mới. Hướng dẫn ở các địa phương theo hướng tư vấn này sẽ nhắm đúng được vào các vùng có năng lực chuyên canh, đặt ra những yêu cầu hợp lý về xây dựng mã vùng, mã đóng gói, kích thích được các nhà đầu tư dài hạn, từ đó đảm bảo năng lực sản xuất nông sản bền vững cho các địa phương.

Thứ ba, phải thấy rằng, trong tỷ trọng sản phẩm nông sản Việt, hiện trạng xuất tươi, xuất thô vẫn rất cao, làm tăng rủi ro về chất lượng hàng hóa do thời gian bảo quản ngắn, và bị các hàng rào kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu cản trở. Do đó, Nhà nước và các địa phương cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho ngành chế biến rau quả nông sản, chú trọng chế biến chuyên sâu, đa dạng thành phẩm và nâng cao giá trị hàng hóa. Nhất là về khâu thu hoạch, bảo quản, các địa phương cần đầu tư để tạo nền tảng cải thiện năng lực tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đơn cử đến nay, cả vùng Tây Nguyên vẫn chưa có được các hệ thống kho lưu giữ nông sản đạt yêu cầu phục vụ xuất khẩu chất lượng cao.

Thứ tư, các cơ quan nhà nước và địa phương cần chia sẻ, tạo điều kiện cho các hiệp hội chuyên ngành tham gia sâu hơn vào hoạt động xây dựng và triển khai các chính sách, tham gia kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Càng phát huy tốt trách nhiệm, vai trò các hiệp hội nghề nghiệp sẽ càng góp phần cải thiện được năng lực cung ứng nông sản trên thị trường.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.