Nhà báo với hành trình đi và viết
Nghề báo luôn gắn với những hành trình đi và viết. Với nhà báo, những chuyến đi là cơ hội in dấu chân trên những nẻo đường của nhiều vùng đất; là những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc với bao dấu ấn ân tình và cả những bài học từ những người thầy không đứng trên bục giảng…
"Quà tặng" của nghề
Gắn bó với nghề báo đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị và những kỷ niệm khó quên. Mỗi chuyến đi tác nghiệp, bản thân lại có thêm kinh nghiệm, những bài học cuộc sống, đặc biệt khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Đi nhiều, tôi chợt nhận ra vùng đất mình đang sống đẹp biết bao, không chỉ ở những địa điểm du lịch được quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, mà còn ở chính khung cảnh, nhịp sống thường ngày trên mọi miền quê.
Lần đi đưa tin chương trình “Tết yêu thương” tại buôn Liêng Krắk (xã Krông Nô, huyện Lắk), rong ruổi xe máy từ sáng sớm vượt quãng đường hơn 100 km, tôi có được những trải nghiệm thú vị: ngắm mặt trời dần ló dạng phía sau ngọn đồi phía xa xa rải những tia nắng đầu tiên trong ngày xuống vạn vật, những ngọn đồi xanh ngắt thấp thoáng trong sương sớm, xóm chài nhỏ bình yên ven sông, dòng nước nhỏ chảy róc rách từ khe đá ngay bên vệ đường… Đến buôn Liêng Krắk, cùng ngồi trò chuyện với bà con, tôi có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống của người dân nơi đây, tích lũy thêm vốn kiến thức cho nghề.
Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên phải) thu thập thông tin, tư liệu về công tác quản lý, bảo vệ rừng. |
Lần đến làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền, xã Ea Tam, huyện Krông Năng), chúng tôi được hòa mình vào khung cảnh tất bật vụ thu hoạch cà phê của người dân, cùng trò chuyện và ăn bữa cơm vội ngày mùa, tuy chỉ là những món ăn đơn giản nhưng đong đầy tình cảm yêu thương. Men theo con đường vắt qua làng, tôi cảm nhận được không khí yên bình, cổ kính với những nóc nhà sàn truyền thống thấp thoáng giữa bạt ngàn cà phê, hồ tiêu. Làng Quảng Hòa có 100% dân cư là người Nùng An di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp, trải qua bao thăng trầm nhưng bà con vẫn gìn giữ được những nếp nhà sàn xưa của dân tộc mình, đó thực sự là điều đáng quý giữa sự phát triển của xã hội hiện đại, là nguồn cảm hứng cho đề tài về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống...
Có những chuyến đi là dịp được khám phá, trải nghiệm, có thêm nhiều mối quan hệ gắn bó; có những chuyến đi đọng lại niềm xúc động vô bờ. Như những lần đi viết bài về lớp học xóa mù chữ buổi tối, lớp học bơi miễn phí với thầy cô tình nguyện tâm huyết; gặp nghệ nhân đau đáu nỗi niềm về bảo tồn văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại; hay trong các chuyến đi trao quà, học bổng cho trẻ em nghèo, khuyết tật, chứng kiến những hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng vẫn đầy nghị lực vươn lên. Có cô bé bị bệnh xương thủy tinh, ham học, giỏi tiếng Anh với ước mơ trở thành cô giáo; có chàng trai khiếm thị đam mê âm nhạc, say sưa luyện tập với những phím đàn; có người thanh niên tật nguyền đam mê thiện nguyện, ngày đêm mải miết với những hành trình yêu thương…
Lắng đọng sau mỗi chuyến đi giúp tôi mở lòng, sẻ chia và biết sống yêu thương, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống hơn…Với tôi, đó chính là quà tặng quý giá mà mình may mắn có được trong hành trình rong ruổi với nghề báo.
Ấm áp những ân tình
Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến công tác cùng đồng nghiệp đến một xã vùng sâu của huyện Krông Năng cách TP. Buôn Ma Thuột gần 100 km. Đoạn đường từ trung tâm xã Ea Dah vào đến thôn Giang Đông, nơi tập trung phần lớn đồng bào phía Bắc di cư vào canh tác và sinh sống phải đi theo lối mòn gập ghềnh, dằn xóc. Được hai cán bộ ở cơ sở chở đi, chúng tôi phải tập trung chú ý cao độ, bám chặt hai bên yên xe vì chỉ cần lơ là thì có thể bị hất văng xuống đất.
Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện tổ chức trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Sau khi đến nơi, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống của những người dân với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, chúng tôi mới thấy quãng đường vừa đi chẳng đáng là gì. Vào những gia đình có người thân nghiện ma túy, trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với nhân vật, chúng tôi mới có cơ hội thu thập được những tư liệu quý, những thông tin “đắt” cho bài viết. Không chỉ thế, qua những câu chuyện với người dân và các cán bộ, công an xã, chúng tôi phát hiện thêm nhiều vấn đề, như về những ngôi nhà tái định cư bỏ hoang; về những đứa trẻ một mình lủi thủi, tự túc nấu ăn, giặt giũ trong căn nhà không bố mẹ, người thân để đi tìm con chữ... để tích lũy thêm tư liệu, ấp ủ thêm đề tài cho những chuyến trở lại lần sau. Đó là vốn quý chúng tôi có được sau chuyến đi, trong đó có sự hỗ trợ vô cùng quý giá từ chính quyền địa phương.
Khó có thể kể hết những ân tình của cán bộ, người dân ở cơ sở mỗi nơi đã đặt chân đến. Đó chẳng phải điều gì cao xa mà đôi khi chỉ là việc chạy xe giúp qua đoạn đường lầy lội, hư hỏng nặng; là bát mì tôm ăn vội hay nơi nghỉ giữa trưa nắng lạc đường... cũng khiến những người làm báo chúng tôi ấm lòng, trân trọng.
Bên cạnh những ân tình đó, cũng nhiều khi chúng tôi phải tự mình đối mặt và tìm cách vượt qua những trở ngại. Đơn cử như khi tác nghiệp ở những đề tài “gai góc”, thường gặp sự cản trở, thậm chí đe dọa, chúng tôi phải tìm cách xử trí sao cho hài hòa, để vừa giữ an toàn cho bản thân, vừa không bỏ lỡ đề tài hay “bẻ cong” thông tin. Lại có đơn vị “ngại” tiếp báo chí khiến việc thu thập thông tin khó khăn. Cũng có những chuyến đi sau mỗi bài viết là sự day dứt vì bản thân không thể làm “đến nơi đến chốn”; không tìm được câu trả lời thỏa đáng cho bạn đọc. Đơn cử như một vài bài viết phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Dù đã làm việc với cơ quan chức năng, nhưng sau khi bài viết đăng, sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm, triệt để, để người dân mong ngóng...
Dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, chúng tôi vẫn có niềm vui, niềm hạnh phúc với nghề, đó là ân tình với những người đã gặp, những nơi đã qua, là lời chào thân thương mỗi khi gặp lại những người ở cơ sở đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nhà báo tác nghiệp, là sự theo dõi, đón đọc tác phẩm của độc giả...
Những người thầy không đứng trên bục giảng
Không chỉ được những người thầy trên giảng đường đại học chỉ dạy, với người làm báo còn có những người thầy là đồng nghiệp, là chính những nhân vật của bài viết, là bạn đọc…
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin về một cơ quan báo chí để thử việc. Để giúp tôi bắt nhịp với nghề báo, các anh chị đồng nghiệp tận tình hướng dẫn cách khai thác thông tin, lựa chọn chi tiết, nhân vật, chỉ cách viết bài, sao lưu, in ấn tác phẩm… Ngày đó đúng kiểu “cầm tay chỉ việc”, tôi theo chân cô chú, các anh chị đi khắp mọi nẻo đường tác nghiệp. Họ không chỉ dạy nghề, mà còn truyền cảm hứng, động lực, thôi thúc tôi thực hiện những tác phẩm đầu tay.
Các phóng viên tác nghiệp về hoạt động bổ sung nguồn lợi thủy sản. |
Nhớ có lần, ban biên tập phân công tôi theo dõi trận chung kết giải bóng đá để viết bài, tôi vội vàng từ chối vì cho rằng mình không có khả năng viết, nhưng một nhà báo giàu kinh nghiệm đã động viên tôi thực hiện. Lời cô chia sẻ năm nào, tôi vẫn nhớ như in: “Ai cũng phải bước qua giai đoạn học nghề để trưởng thành với nghề. Con chưa thử sức, sao biết mình không thể viết”. Câu nói đó giúp tôi mạnh dạn hơn, dưới sự hướng dẫn của mọi người, tôi đã hoàn thành tác phẩm và được ban biên tập ghi nhận, đánh giá tốt.
Cùng với việc học hỏi đồng nghiệp, trên “con đường” đi và viết, tôi may mắn gặp gỡ rất nhiều nhân vật. Mỗi đối tượng nhân vật dù khác nhau về độ tuổi, sức khỏe, lĩnh vực công tác, song họ đều mang đến nguồn cảm hứng cho tôi tác nghiệp. Tôi nhớ mãi lần gặp một cụ già nghèo khổ ở vùng biên, khi được các nhà hảo tâm đề nghị giúp đỡ, cụ đã từ chối vì cho rằng còn nhiều người nghèo khó cần được giúp đỡ hơn mình. Một ca sĩ mà tôi gặp, dù đang mắc bệnh ung thư, nhưng chị vẫn luôn giữ tâm thế vui tươi, bình thản, không ngừng cất cao giọng hát, bởi với chị đó cũng là một sự chữa lành…
Hơn mười năm gắn bó với nghề báo đã cho tôi có được những cuộc hạnh ngộ đầy động lực và niềm tin yêu. Đó là những cuộc gặp gỡ người lính Cụ Hồ bản lĩnh, trí tuệ, luôn thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi luôn tràn đầy nhiệt huyết, dựng xây nhiều công trình, phần việc ý nghĩa trên quê hương; người nông dân cần mẫn một nắng hai sương với khát vọng vươn lên trên đất nghèo; người cựu chiến binh đi qua lằn ranh sinh tử của chiến tranh nên luôn trân trọng đồng đội và cuộc sống hiện tại; người khuyết tật với nghị lực sống, nghị lực vượt qua nghịch cảnh giữa dòng đời… Họ không chỉ nhiệt tình cung cấp thông tin, tư liệu hay, mà còn dạy cho bản thân cách trân trọng chính mình, trân trọng cuộc sống. Họ - từ nhân vật của bài viết đã trở thành những tấm gương sáng để cho chúng tôi soi chiếu…
Làm báo, vui nhất còn là được đón nhận những phản hồi từ bạn đọc. Từ những dòng tin nhắn, email, những cuộc điện thoại, hay những trao đổi trực tiếp tại tòa soạn… với bạn đọc luôn được đội ngũ những người làm báo chắt chiu thông tin. Những lời ngợi khen giúp người viết có thêm động lực, niềm vui với nghề. Những lời góp ý, bổ sung, cung cấp thông tin giúp chúng tôi có thêm kiến thức, đúc rút kinh nghiệm để triển khai sâu hơn, đầy đủ hơn các vấn đề mà người đọc đang quan tâm, theo dõi.
Huyền Diệu - Thúy Hồng - Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc