Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn công trình thủy điện trong mùa mưa lũ

08:36, 15/07/2024

Trong Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện trên sông Sêrêpốk, mùa lũ được tính bắt đầu từ ngày 1/8 hằng năm. Đến thời điểm này, các đơn vị vận hành công trình thủy điện đã sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT–TKCN), bảo đảm vận hành, hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp hiện quản lý vận hành ba nhà máy thủy điện bậc thang lớn trên sông Sêrêpốk, gồm: Buôn Kuốp (công suất 280 MW), Sêrêpốk 3 (220 MW) và Buôn Tua Srah (86 MW).

Từ đầu năm 2024, công ty đã xây dựng kế hoạch công tác PCTT-TKCN với nội dung bám sát thực tế, tuân thủ các văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng, của ngành.

Đơn vị cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, phân xưởng để thực hiện đảm bảo tất cả các nội dung công việc theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành trước mùa lũ; kiện toàn và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT–TKCN; thành lập tiểu ban kỹ thuật xả lũ, đội xung kích PCTT-TKCN cho ba nhà máy Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Sêrêpốk 3.

Đập tràn và nhà máy thủy điện Buôn Tua Shar trên lưu vực sông Sêrêpốk.

Về công tác an toàn, công ty đã tổ chức kiểm tra, lập báo cáo đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện năm 2024 cho công trình; báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện gửi đến cơ quan chức năng hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để theo dõi, quản lý. Các đập thủy điện đã thực hiện kiểm định đúng chu kỳ theo quy định, bảo đảm vận hành/hoạt động bình thường, năng lực xả tràn đáp ứng theo tiêu chuẩn.

Công ty cũng đã thuê các đơn vị tư vấn để quan trắc, đánh giá chuyển dịch đứng, ngang cho các đập, các hạng mục công trình khác; đo quan trắc các yếu tố trong thân và nền đập; quan trắc mực nước thượng, hạ lưu, lưu lượng thấm về hạ lưu công trình. Riêng công tác quan trắc mực nước hồ để theo dõi lưu lượng về hồ và quan trắc mực nước hạ lưu được thực hiện theo chế độ giờ (trong điều kiện bình thường), theo chế độ 30 phút hoặc 15 phút khi có hình thế thời tiết bất thường trong mùa mưa lũ.

 

Các đơn vị quản lý vận hành thủy điện kiến nghị chính quyền địa phương phổ biến đến nhân dân trong vùng về thời kỳ mùa lũ hằng năm (tháng 8 đến tháng 11) có kế hoạch canh tác nông nghiệp, chăn nuôi phù hợp, không thực hiện ở vùng trũng thấp, không tổ chức các hoạt động du lịch trong mùa lũ và không vào đánh cá tại khu vực cửa nhận nước, hạ lưu đập tràn.

Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, trước mùa mưa lũ, công ty đã mua sắm vật tư, vật liệu, nhiên liệu, lương thực và thuốc men; tổ chức kiểm tra định kỳ thực tế tại các công trình; phối hợp với ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp tiến hành kiểm tra hành lang thoát lũ vùng hạ du các hồ chứa; kiểm tra bảo trì thiết bị công trình phục vụ mùa lũ, tổ chức vận hành đóng/mở thử cửa van cung theo các chế độ; thu thập số liệu thủy văn, diễn tập các phương án nhằm sẵn sàng với các kịch bản. Việc PCTT-TKCN được thực hiện theo nguyên tắc “Phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” và phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Nâng cao công tác phối hợp

Hiện nay, toàn tỉnh có 25 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang vận hành, với tổng công suất 833 MW. Trong hệ thống thủy điện trên địa bàn tỉnh, có 18 nhà máy có hồ chứa. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah là hồ có dung tích lớn nhất, nằm trên địa bàn ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với dung tích hữu ích 522,6 triệu m3 nước.

Trong mùa mưa lũ, nguyên tắc vận hành các nhà máy thủy điện là phải bảo đảm an toàn công trình, hiệu quả cấp nước, việc phát điện và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; góp phần điều tiết và giảm lũ cho vùng hạ du.

Trước mùa mưa bão, Sở Công Thương cùng các chủ hồ, các đơn vị quản lý vận hành tổ chức lấy ý kiến, thẩm định, trình phê duyệt phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đối với hồ đập, công trình thủy điện. Cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra, giám sát về an toàn hồ đập và công tác PCTT-TKCN tại các đơn vị quản lý, vận hành thủy điện. Đa phần các đơn vị cơ bản tuân thủ theo những quy định pháp luật về vấn đề phát điện, an toàn hồ, đập thủy điện và vận hành hồ chứa theo đúng quy trình.

Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp.

Sở Công Thương cũng có văn bản đề nghị các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện lập báo cáo đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện, thiết lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp... Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo chính quyền xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành quản lý lưới điện để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra; tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành về an toàn điện trong mùa mưa bão 2024.

Vừa qua, các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, chính quyền địa phương rà soát và thống nhất phương án phối hợp PCTT-TKCN năm 2024.

Quy chế này có 3 chương, 10 điều liên quan đến chế độ và công tác phối hợp khi vận hành điều tiết - xả tràn bình thường, bất thường, phương thức cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan trong công tác vận hành điều tiết nước, ứng phó những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra tại khu vực các hồ chứa thủy điện.

Theo quy chế, các chủ công trình tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy định liên quan khác. Các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền và người dân địa phương phải phối hợp trong PCTT–TKCN nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập và giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực hạ du.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc