Multimedia Đọc Báo in

Bản hùng ca độc lập

06:42, 02/09/2024

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đó là bản hùng ca độc lập làm nức lòng quốc dân đồng bào và quốc tế về một dân tộc bao năm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, đã kiêu hùng đứng dậy.

Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên đã viết: “Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa vời, trên máy chém, trên chiến trường”.

Là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mạng đã hy sinh nên càng thấm thía sâu sắc những câu từ trong Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tinh thần “quyết đem tất cả” giữ vững quyền tự do và độc lập đã thôi thúc, tạo sức mạnh nội sinh để Việt Nam hiên ngang, kiên cường, bền bỉ đấu tranh đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ trong 30 năm. Bản hùng ca độc lập là nguồn cổ vũ thôi thúc quân dân cả nước vượt qua những cam go, thử thách, ở những thời khắc ngàn cân treo sợi tóc để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Thiêng liêng hai chữ độc lập. Quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”… đã nở hoa với khúc khải hoàn ca Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Non sông thu về một dải, Tổ quốc ta hoàn toàn thống nhất, cả nước cùng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giá trị của độc lập được lớp lớp thế hệ đồng lòng chung sức giữ gìn, bảo vệ và vun đắp bằng những thành quả trong công cuộc kiến thiết, dựng xây đất nước, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Với đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, từ một nước bị bao vây, cấm vận kéo dài trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và nhiều nước G20.

Trên mảnh đất Đắk Lắk, đồng bào 49 dân tộc anh em kề vai sát cánh dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống anh hùng, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền; xây đắp tình hữu nghị với các nước láng giềng. Diện mạo của thủ phủ trung tâm vùng từng bước đổi thay bằng gam màu tươi sáng của kết cấu hạ tầng giao thông; những chuyển mình vươn ra thị trường toàn cầu của các sản phẩm nông sản chủ lực. Nguồn lực từ sức dân được khơi dậy, thành động lực cho những buôn làng, miền quê “đổi đời”, xây dựng những lớp công dân thời đại số…

Bản hùng ca độc lập của dân tộc Việt Nam được viết bằng máu và hoa. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chân lý sáng ngời ấy soi đường để mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng đồng lòng trong mọi tình huống bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc