Huyện Ea Súp: Nhức nhối các dự án nông lâm nghiệp
Trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp có hàng chục dự án nông lâm nghiệp được triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên các dự án này có hiệu quả thấp và bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, cần sớm được cơ quan chức năng xử lý, tháo gỡ.
Bỏ bê dự án, để mất rừng
Theo đánh giá của UBND huyện Ea Súp, hầu hết các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện đều triển khai thực hiện chậm, thậm chí dừng triển khai. Các loại cây trồng trong vùng dự án không phù hợp với điều kiện đất đai nên nhiều diện tích bị chết, kém phát triển, doanh nghiệp (DN) chưa trồng lại hoặc xin chủ trương chuyển đổi trồng cây mới.
Cụ thể, các dự án mục đích trồng cao su và kết hợp quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã trồng được 1.628,4 ha cây cao su (tương đương 24,7% diện tích so với quy hoạch dự án). Tuy nhiên có đến 39% diện tích cây cao su đã chết, không có khả năng khai thác mủ; có những chủ dự án đã bỏ không đầu tư hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thị sát rừng trồng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp. |
Tương tự, các dự án trồng rừng, cải tạo rừng và QLBVR, đã trồng, cải tạo 1.693,5/4.295,3 ha rừng (39,4%). Tuy nhiên, nhiều diện tích rừng trồng của các công ty đã bị chết, số còn lại sinh trưởng, phát triển kém.
Tính đến ngày 30/6/2024, Công ty TNHH Minh Hằng còn nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp tiền thuê đất hơn 1,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Gia Huy nợ gần 4 tỷ đồng; Công ty TNHH CP Xây dựng thương mại Đại Hưng nợ 317,7 triệu đồng. |
Đối với dự án trồng cây ăn quả và QLBVR, đã trồng được 320 ha cây ăn quả (120 ha xoài, 200 ha mít), hiện nay diện tích này đã bị chết, chủ dự án đã bỏ, không chăm sóc.
Bên cạnh triển khai ì ạch, nhiều chủ dự án nông lâm nghiệp ở Ea Súp cũng buông lỏng công tác QLBVR. Điều này dẫn đến tình trạng rừng bị xâm hại, suy giảm qua các năm, nhưng chưa được chủ dự án cập nhật, báo cáo với ngành chức năng theo quy định. Đa phần các dự án để người dân xâm lấn, trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, ngô, mía...
Tại một số dự án xảy ra tình trạng các cổ đông tự ý chia tách diện tích và thực hiện dự án không đúng với mục đích được cấp có thẩm quyền phê duyệt như dự án của Công ty TNHH Trồng rừng 27/7, Công ty Cổ phần Cao su Trí Đức.
Có những DN thuê lực lượng bảo vệ dự án nhưng chính lực lượng này lại tham gia phá rừng, tiếp tay cho các đối tượng có hành vi phá rừng (Công ty TNHH Minh Hằng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát).
Bên cạnh đó, các đơn vị đã thành lập lực lượng QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng nhưng tại một số dự án, lực lượng này "có cũng như không". Cụ thể, Công ty TNHH Gia Huy, Công ty TNHH Trồng rừng 27/7… chỉ bố trí từ 2 - 3 người; Công ty TNHH Minh Hằng, Công ty Cổ phần Sản xuất, kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam thì không có người trông coi, QLBVR, quản lý đất đai vùng dự án; một số dự án không có người đại diện để làm việc khi cơ quan chức năng đến kiểm tra...
Nhiều dự án nông lâm nghiệp ở huyện Ea Súp để rừng bị chặt phá. |
Cần sớm thu hồi
Huyện Ea Súp hiện có 27 dự án nông lâm nghiệp, tổng diện tích hơn 17.492 ha. Cụ thể, 11 dự án trồng cao su và QLBVR (8.666,9 ha), 11 dự án trồng, cải tạo, QLBVR và chăn nuôi heo công nghệ cao (6.144,3 ha), 1 dự án trồng cây ăn trái và QLBVR (1.389,5 ha) và 4 dự án khác (1.282,5 ha).
"Nhiều chủ dự án không thực hiện triển khai dự án theo mục tiêu được phê duyệt, đặc biệt có dự án bỏ hoang, không có người trông coi gây nên tình trạng mất đất, mất rừng. Khi được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương liên hệ thì chủ dự án vẫn không phối hợp làm việc, mời lên làm việc cũng không tham dự, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương” – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng. |
Ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, trước những vướng mắc, bất cập của các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện, địa phương kiến nghị UBND tỉnh xử lý buộc DN phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng bị suy giảm và thu hồi dự án đối với các DN thực hiện chậm tiến độ, không bố trí lực lượng theo dự án được phê duyệt, để tài nguyên rừng bị suy giảm và buông lỏng quản lý.
Với diện tích rừng tại các dự án không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chủ DN thực hiện nhiệm vụ QLBVR, khoanh nuôi tái sinh và phục hồi rừng tự nhiên hiện có, xử lý trách nhiệm DN để rừng bị suy giảm.
Liên quan đến dự án hiện nay không có người trông coi và không thể liên hệ với người đại diện theo pháp luật để làm việc cũng như yêu cầu báo cáo về thực trạng dự án (Công ty TNHH Minh Hằng), UBND tỉnh cần sớm thu hồi dự án. Đồng thời, xem xét thu hồi dự án đối với DN bỏ hoang dự án trong thời gian dài, không phối hợp với chính quyền để xử lý các vi phạm xảy ra trên diện tích do DN quản lý (Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam).
Đất lâm nghiệp tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp) giao cho doanh nghiệp nhưng quản lý không tốt để cho người dân xâm chiếm, canh tác. Ảnh: Văn Tân |
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại trữ lượng rừng bị suy giảm so với thời điểm giao tại một số dự án có dấu hiệu buông lỏng công tác QLBVR, làm cơ sở yêu cầu các chủ dự án bồi thường thiệt hại và xử lý theo luật định. Yêu cầu các dự án được giao rừng tự nhiên phải đánh giá hiện trạng rừng hiện nay, cập nhật diễn biến rừng theo quy định. Huyện Ea Súp cũng kiến nghị tỉnh sớm có cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án trồng cao su, trồng rừng, cải tạo rừng và QLBVR không có hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc