Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui của người trồng cau

08:16, 08/10/2024

Hiện nay giá cau đang tăng cao, mang lại niềm vui cho nhiều nhà nông trên địa bàn tỉnh về một vụ mùa bội thu.

Gia đình ông Lê Văn Đức (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có khoảng 2.000 cây cau từ 5 - 7 năm tuổi.

Ông Đức cho hay, cau là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc và chi phí phân bón thấp. Đặc biệt, loại cây này không chiếm nhiều diện tích đất nên người dân thường trồng xen canh với các loại cây công nghiệp lâu năm. Thời gian thu hoạch cau cũng được chia làm nhiều đợt, thường kéo dài 3 - 5 tháng, mang lại cho người trồng một nguồn thu khá và liên tục.

Thương lái thu mua cau ngay tại vườn nhà người dân.

Giá cau năm ngoái chỉ dao động trong khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay giá cau đã tăng cao ngay từ đầu vụ (vào khoảng tháng 6) với hơn 40.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, giá cau đã tăng lên gần 80.000 đồng/kg (tùy loại). Việc giá cau liên tục lập "đỉnh" đã thu hút thương lái từ khắp nơi đổ về vườn cau của gia đình ông Đức để thu mua, thậm chí là đặt cọc tiền trước, chờ đến ngày thu hoạch sẽ tới hái. Dù giá đang tăng mạnh, nhưng gia đình ông vẫn chưa vội nhận cọc của thương lái, cũng không thu hoạch cau non nhằm bảo đảm năng suất cho các vụ sau. “Giá cau đang tăng cao nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu giá cau tiếp tục ổn định đến hết vụ, gia đình tôi có thể lãi hàng trăm triệu đồng”, ông Đức phấn khởi.

Không giấu được niềm vui khi vừa bán được lứa cau với giá tốt, anh Y Dlen Niê (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) hồ hởi cho biết, từ đầu mùa đến nay, thương lái đã đến nhà thu mua 6 - 7 lượt, mỗi lần thu hái từ 2 - 3 tạ cau tươi. Trong quá trình thu hái, người trồng cau không phải tốn công sức thu hoạch như những loại cây khác, bởi thương lái sẽ đến thu mua cả buồng, cân cả nhánh với mức giá hợp lý. Trung bình mỗi buồng cau nặng 7 - 10 kg và với mức giá như hiện tại, người dân có thể lãi cả triệu đồng từ mỗi cây cau. Đặc biệt, những loại cau non, quả dài, thon nhỏ luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn và trả giá cao hơn so với loại cau to, quả tròn. “Năm nay, giá các loại nông sản như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng… đều tăng cao, khiến người làm nông như chúng tôi vô cùng phấn khởi. Giờ đến mùa cau, giá cũng tăng mạnh nên bà con rất kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”, anh Y Dlen chia sẻ.

Những ngày này, dọc theo các tuyến quốc lộ, hình ảnh thương lái hối hả thu mua cau trở nên quen thuộc. Những buồng cau nặng trĩu quả được chất đầy trên các phương tiện xe cơ giới tạo nên khung cảnh nhộn nhịp. Anh Trần Thanh Tú (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, mỗi ngày phải vượt hàng chục cây số, len lỏi vào từng ngõ ngách để tìm kiếm, thu mua cau tươi về bán lại cho các vựa, cơ sở chế biến.

Công việc phân loại cau giúp nhiều lao động nữ có thêm nguồn thu nhập.

Anh Tú cho hay, nghề hái cau vất vả hơn nhiều so với các công việc khác và tiềm ẩn không ít rủi ro. Tuy nhiên, tiền công từ công việc này đem lại cũng xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Hiện nay, cau tươi đang “sốt giá” nên việc kinh doanh, mua bán trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn so với những năm trước. “Vào mùa cau rộ, mỗi ngày tôi có thể thu mua từ vài chục ký, thậm chí lên đến 2 - 3 tạ cau tươi, thu lợi nhuận từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng từ công việc hái cau”, anh Tú bộc bạch.

Khi cau vào chính vụ thu hoạch, cũng là lúc các lò sấy cau khô trên địa bàn tỉnh liên tục đỏ lửa, hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, tại cơ sở thu mua, chế biến cau của gia đình bà Hoàng Thị Sao (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) không khí mua bán có phần trầm lắng hơn mọi năm. Bà Sao cho biết, mùa cau năm ngoái, mỗi ngày cơ sở của bà thu mua khoảng 10 tấn cau tươi. Tuy nhiên, năm nay do giá cau tăng vọt nên bà không đủ nguồn vốn để có thể vừa thu mua, vừa sấy cau khô bán cho thương lái như mọi năm. Thêm vào đó, đầu ra của loại quả này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nếu thị trường này "đóng băng", nhiều chủ lò cau sẽ phải đối mặt với cảnh nợ nần chồng chất. Do đó, vụ mùa năm nay, cơ sở của bà Sao chỉ nhận sấy cau thuê cho các thương lái Trung Quốc để thu lãi.

Bà Sao chia sẻ, mặc dù không thu mua cau như mọi năm, nhưng để kịp tiến độ bàn giao hàng cho thương lái, mỗi ngày, cơ sở của bà vẫn duy trì công việc cho hàng chục lao động tại địa phương. Mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau như tách cau tươi, phân loại, vận chuyển cau vào lò sấy… Tùy vào từng vị trí công việc mà thu nhập của nhân công cũng khác nhau, trung bình từ 5  - 10 triệu đồng mỗi tháng, giúp họ có thêm chi phí trang trải cuộc sống hằng ngày.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc