Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:16, 25/10/2024

Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em với 34,37% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk lần thứ III, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy truyền thống đại đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, góp sức đổi thay mọi mặt đời sống với bệ đỡ từ các chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS của Đảng và Nhà nước.

Nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 2 huyện nghèo; 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; 454 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Xác định rõ nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng phải đi trước nhằm tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, đặc biệt là nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (gọi tắt là Chương trình 1719).

Chỉ riêng trong Tiểu dự án 1 Dự án 4 Chương trình 1719, tỉnh đã phân bổ trên 1.340 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng mới 157 công trình; duy tu, bảo dưỡng 174 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 74,96% đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 65,97% đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn được cứng hóa; 58,9% đường ngõ xóm sạch và bảo đảm đi lại thuận tiện quanh năm; 45,19% đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn Chương trình 1719 tại xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc).

Đắk Lắk cũng là địa phương có hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư với số lượng tương đối lớn so với mặt bằng chung cả nước. Toàn tỉnh hiện có 882 công trình thủy lợi, trong đó có 619 hồ chứa nước, chiếm 9% tổng số hồ chứa cả nước. Nhờ đó, hệ thống thủy lợi đã bảo đảm tưới chủ động cho 83,88% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, tăng 3,38% so với năm 2019. Hệ thống lưới điện cũng được đầu tư nâng cấp bảo đảm theo tiêu chí số 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống truyền thanh cơ sở đã được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông; hệ thống truyền thanh – truyền hình cấp huyện được trang bị thiết bị kỹ thuật để số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền. Cơ sở vật chất văn hóa được nâng cấp, mở rộng với các thiết bị, phương tiện cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, giải trí và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Chăm lo phát triển con người

Thời gian qua, công tác y tế, giáo dục trong vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm, chú trọng. Toàn tỉnh hiện đã có 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 92,5%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (cân nặng theo độ tuổi) giảm còn 17,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình... cho đồng bào DTTS được chú trọng. Công tác vệ sinh phòng dịch vùng dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, có hiệu quả.

Lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông).

Hệ thống giáo dục ngày càng được đầu tư đồng bộ ở các bậc học, ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa với cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông. Các chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được triển khai đúng, đủ, kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ kinh phí triển khai 7 lớp xóa mù chữ cho người dân tại 6 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; bố trí khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho 18 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn; mở trên 30 lớp hỗ trợ đào tạo nghề với hơn 800 lượt người tham gia… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, đa dạng phương thức tiếp cận, từng bước nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào DTTS.

Chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS được quan tâm triển khai. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được nâng cao, nhất là về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Đến nay, toàn tỉnh có 5.867 cán bộ, công chức, viên chức là DTTS, chiếm 13,2% tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS thường xuyên được kiện toàn, củng cố; được quan tâm động viên, bồi dưỡng để phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng, bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp.

Ông Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định, việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian qua đã tạo nên diện mạo mới cho các địa phương vùng đồng bào DTTS. Đây là những động lực quan trọng để đồng bào các DTTS trên toàn tỉnh nỗ lực vươn lên, phát huy tiềm năng thế mạnh cùng ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đồng lòng đưa mọi mặt đời sống phát triển nhanh và bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã thực hiện 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư cho đồng bào DTTS với kinh phí hơn 705 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 7.300 hộ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng; giải ngân hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 527 hộ trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng
​​​​​​​Đắk Lắk là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Vùng đất này là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và các phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh đi trước, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc ta.