Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông: Khơi thông nguồn lực phát triển
Trong thời gian qua, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư bảo đảm liên kết giữa các vùng kinh tế trong tỉnh, các phương thức vận tải thông suốt, thuận lợi và an toàn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị nêu rõ, phát triển Tây Nguyên bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển các địa phương trong vùng và cả nước.
Tập trung nguồn lực cho hạ tầng giao thông
Trong những năm qua, vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành về mọi mặt. Nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột và nhiều công trình khác được đầu tư xây dựng, từng bước góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược vùng Tây Nguyên.
Cùng với nguồn lực từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng mới và sửa chữa các công trình giao thông hiện hữu. Theo đó, công tác lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm theo quy định, đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hằng năm, công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường hiện hữu cũng được tỉnh quan tâm bố trí vốn. Hiện toàn tỉnh có 12 tuyến tỉnh lộ, với chiều dài hơn 416 km và 41 km đường tuần tra biên giới. Tổng kinh phí bố trí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường tỉnh trong 3 năm (2022, 2023 và 2024) gần 258 tỷ đồng; hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ địa phương ở các huyện, thị xã, thành phố được bố trí 386,8 tỷ đồng để thực hiện công tác sửa chữa định kỳ.
Công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột hoàn thành góp phần giảm tải khu vực trung tâm đô thị Buôn Ma Thuột. |
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua với nhiều dự án trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở mới nâng cao hiệu quả đầu tư, giao thông thông suốt, an toàn; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2024 đã đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, chiều dài khoảng 123 km, tổng mức đầu tư hơn 1.908 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án nâng cấp, cải tạo Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00, tổng mức đầu tư 1.053 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 2 đoạn từ Km6+431 – Km22+550, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9 từ Km0+00 – Km20+00, tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng…
Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, với một địa phương nông nghiệp đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, việc thông đường, thông tuyến càng có ý nghĩa tiên quyết trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản và logistics.
Đề xuất đầu tư sớm tuyến cao tốc huyết mạch kết nối vùng
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/12/2021, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu 100% tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 75% tuyến đường xã, 100% đường chính trong thôn, buôn, nội đồng có đường nhựa hoặc bê tông, xi măng; nâng số km đường tỉnh lên khoảng 600 km, đường huyện lên khoảng 1.675 km, đường xã 3.380 km. Mặt khác, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông đường bộ địa phương bảo đảm tỷ lệ hình chóp phù hợp (quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã tương ứng 1:2:4:8) trên nguyên tắc nâng đường cấp thấp lên đường cấp cao và mở mới các tuyến đường phù hợp địa hình, hiện trạng, tính khả thi, kết nối đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác.
Nhằm từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường bộ hiện có đi đôi với đầu tư phát triển một số tuyến đường mới, bảo đảm đúng quy hoạch được duyệt, trong những năm qua các địa phương trong tỉnh đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, thỏa thuận, quyết định điều chỉnh một số đoạn, tuyến đường huyện thành đường tỉnh. Theo đó, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã nâng gần 65 km đường huyện lên đường tỉnh, tăng tổng chiều dài đường tỉnh từ 351 km lên 416 km.
Hàng trăm máy móc, thiết bị được huy động thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Sở Giao thông vận tải cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 hệ thống đường tỉnh có khoảng 26 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 1.103 km; định hướng đến năm 2050 có khoảng 44 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 1.670 km, các tuyến đường huyện đến năm 2030 đạt khoảng 1.825 km; định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 3.045 km. Các tuyến đường xã đến năm 2030, chiều dài khoảng 3.580 km, định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 6.090 km.
Để hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được xây dựng đồng bộ, hiện đại, tỉnh đề xuất các bộ, ngành ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thông thông suốt, an toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đề nghị bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh tiến trình đầu tư trước năm 2030 đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, bởi xét về tiềm năng, đây được xác định là tuyến cao tốc huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Tây Nguyên.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc