Multimedia Đọc Báo in

Tick xanh trách nhiệm: Minh bạch hóa trong khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa

08:26, 14/01/2025

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm vẫn tồn tại nhiều hạn chế, Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” ra đời được xem là động thái tích cực hướng đến xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Kiểm soát chất lượng bằng sự tự nguyện

Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa  - Tick xanh trách nhiệm (gọi tắt là Chương trình) được TP. Hồ Chí Minh phát động với mục tiêu định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.

Đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk kiểm tra chất lượng sản phẩm trái sầu riêng tại các vùng trồng xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương, có một thực tế, nhiều nông sản hàng hóa của Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm cho các thị trường khó tính của thế giới, tuy nhiên tiêu thụ trong nước lại gặp nhiều khó khăn. Vấn đề ở đây là sản phẩm thiếu “dấu hiệu” để giúp người tiêu dùng nhận biết đâu là hàng chất lượng, bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng vẫn chưa chặt chẽ, vẫn còn những khó khăn, còn những khe hở để lọt sản phẩm không an toàn vào chuỗi bán lẻ. Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra Chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, cùng với các nhà phân phối lớn bắt tay nhau thực hiện nhiệm vụ này, để người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm tốt nhất từ những đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm làm nên sản phẩm tốt nhất.

Chương trình được thử nghiệm từ ngày 8/3/2024 và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của cơ sở sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ; xem đây là cơ hội phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trước những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, việc này giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng tốt, hàng xấu; hỗ trợ các nhà sản xuất uy tín có đầu ra tiêu thụ ổn định. Các nhà cung cấp tham gia Chương trình phải cam kết chấp nhận các hình phạt nếu vi phạm, từ đó nâng cao trách nhiệm.

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chất lượng hàng hóa tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn huyện M'Drắk.

Khi tham gia Chương trình, để được gắn “Tick xanh trách nhiệm”, nhà cung cấp tự kiểm soát chất lượng hàng hóa trong quá trình sản xuất, chịu giám sát và chủ động chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng. Nhà bán lẻ cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”. Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh truyền thông, phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động. Người tiêu dùng nâng cao trách nhiệm, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; tin dùng, lựa chọn và giám sát sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.

Cơ hội cho nông sản vùng Tây Nguyên

 

Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đã có 8 doanh nghiệp bán lẻ tham gia, gồm: Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Aeon, Central Retail, WinCommerce, Bách Hóa Xanh, Kingfood Mart.

Tại hội nghị tổng kết thỏa thuận hợp tác phát triển KT - XH giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên năm 2024, triển khai kế hoạch hợp tác năm 2025 diễn ra vào đầu tháng 1/2025 tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), lãnh đạo các địa phương kỳ vọng Chương trình sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt rõ ràng sản phẩm “trách nhiệm” và sản phẩm kém chất lượng. Từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho những nhà sản xuất có trách nhiệm và loại bỏ các nhà sản xuất thiếu trách nhiệm khỏi thị trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, hằng năm tỉnh có hàng triệu tấn nông sản hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, do đó Đắk Lắk sẽ quyết tâm cao để cùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đồng hành thực hiện Chương trình này. Bởi đây là cơ hội cho nông sản của Đắk Lắk cũng như các đơn vị sản xuất có trách nhiệm mở rộng kênh tiêu thụ nội địa và định vị được chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (tỉnh Đắk Lắk), là đơn vị trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ trong chuỗi cung ứng bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu sự hỗ trợ về tài chính cũng như việc quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Do đó, Chương trình cần truyền thông mạnh hơn nữa để những đơn vị sản xuất hiểu được lợi ích và trách nhiệm khi tham gia, đồng thời các nhà bán lẻ cần có sự hỗ trợ cho các đơn vị cung ứng sản phẩm hàng hóa có gắn “Tick xanh trách nhiệm”…

Còn ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Langbiang Farm (tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ kỳ vọng Chương trình sẽ được thực hiện đến nơi đến chốn, mang đúng ý nghĩa và giá trị cho người tiêu dùng cũng như tạo cơ hội nhiều hơn cho những sản phẩm nông sản hàng hóa vùng Tây Nguyên được sản xuất bởi người có “trách nhiệm” vươn ra các tỉnh thành trong nước.

Khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm hạt cà phê sau khi rang của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk).

Riêng các đơn vị bán lẻ cho rằng, việc kiểm soát chất lượng từ sản xuất gặp nhiều khó khăn khi sản xuất còn manh mún, chất lượng không đồng đều, thiếu đầu tư công nghệ nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Do đó, chính quyền các địa phương cần có quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người sản xuất; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ để kiểm soát chất lượng… Các đơn vị bán lẻ cũng cam kết sẽ hỗ trợ các sản phẩm có tick xanh về việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Để thể hiện quyết tâm, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Thỏa thuận này nhấn mạnh việc hợp tác bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thông qua kiểm soát chất lượng tại nguồn, ngăn chặn sản phẩm không an toàn. Đồng thời, thỏa thuận cũng tận dụng năng lực kiểm soát của ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên kết hợp với hệ thống bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh để bảo đảm chất lượng hàng hóa. Điều này giúp nhà sản xuất tiếp cận nhiều thị trường hơn nếu tuân thủ sản xuất an toàn. Ngược lại, nếu không làm đúng, họ sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh trên thị trường.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc