Multimedia Đọc Báo in

“Vàng trắng” trên vùng đất đỏ

16:26, 02/02/2025

Với giá trị kinh tế cao, mủ cao su được gọi là “vàng trắng”. Nhiều thập kỷ qua, cây cao su khẳng định vị thế trên vùng đất đỏ bazan, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, mang lại ấm no cho hàng vạn gia đình.

Một thời gian nan khơi dòng nhựa trắng

Ở Đắk Lắk có nhiều vườn cao su xanh bạt ngàn từ vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, sang huyện Cư M’gar, xuống thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, Ea H’leo. Đây là thành quả của hành trình với biết bao thăng trầm, gian khó để cao su “cắm rễ” trên vùng đất này.

Năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương đẩy nhanh quá trình khai hoang và mở rộng diện tích cây cao su. Tổng cục Cao su Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho các công ty cao su khu vực Đông Nam Bộ tích cực hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên. Năm 1984, cùng với nhiều doanh nghiệp (DN) cao su khác, Công ty Cao su Ea H’leo được thành lập với nhiệm vụ không chỉ phát triển cây cao su mà còn là bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện định canh, định cư, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cây cao su góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Vạn Tiếp

Ông Trương Công Lực là một trong những người gắn bó với cây cao su từ hơn 40 năm trước. Ông quê ở tỉnh Bình Định, khi mới đến Ea H'leo - Thuần Mẫn, nơi đây là một vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào bản địa, nhiều tập quán còn lạc hậu, hạ tầng điện - đường -trường - trạm không có gì. Chưa kể, dịch bệnh sốt rét hoành hành, lực lượng FULRO thường xuyên chống phá. Máy móc nông cụ thô sơ, việc khai hoang, phát dọn cỏ tranh phải làm thủ công. Khó khăn lắm mới trồng được cây cao su xuống, nhưng bị thú rừng, gia súc thả rông cắn phá. Gian nan lắm mới hình thành được vườn cây.

Sau khi ổn định tổ chức, công ty chọn xã Dliê Yang làm điểm cho việc mở rộng địa bàn phát triển vườn cây, hình thành nông trường. Đơn vị cũng vận động đồng bào DTTS vào làm công nhân, mở rộng diện tích trồng cây. Từng bước một, hàng nghìn héc-ta cao su đã xanh tốt trên vùng đất này. Từ sự lạ lẫm ban đầu, cây cao su dần trở nên quen thuộc, giúp người dân nơi đây thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Cùng với Công ty Cao su Krông Búk thành lập thời điểm này và các công ty, lâm trường ra đời sau đó, diện tích cao su của tỉnh phát triển nhanh chóng, đến năm 1990 đã lên đến hàng vạn héc-ta. Tuy có lúc thăng lúc trầm, nhưng cây cao su ngày càng khẳng định là cây công nghiệp quan trọng của tỉnh. Đến nay, Đắk Lắk có 32.174 ha cao su, chiếm 8,74% tổng diện tích cây lâu năm, sản lượng hằng năm khoảng 30.000 tấn.

Tạo việc làm và an sinh xã hội

Những năm qua, các DN cao su đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Chị Hle Rbăm (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) lớn lên dưới những tán cao su, là thế hệ thứ hai trong gia đình gắn bó với loại cây công nghiệp này. Bố chị là ông Y Blăng Niê là một trong những người đầu tiên ở vùng này biết trồng cao su và làm công nhân cạo mủ từ mấy chục năm trước. Gia đình ông có lúc nhận chăm sóc đến 50 ha cao su. Cây cao su đã giúp ông có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi 6 người con khôn lớn. Ngôi nhà khang trang ông ở cũng là nhà Mái ấm công đoàn của DN cao su xây tặng. Với chị Hle Rbăm, từ nhỏ đã theo bố mẹ ra vườn cao su phát cỏ, bẻ chồi. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Miền Đông, chị quay về quê hương lập nghiệp với nghề cao su. Hiện là cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, chị có thu nhập khá, có điều kiện lo cho các con ăn học.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo thu hoạch mủ. Ảnh: Như Quỳnh

Chị H'Trân Êban (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) cũng gắn bó với công việc cạo mủ cao su 4 năm nay. Chị cho biết, ngoài tiền lương, chị được đóng bảo hiểm đầy đủ, có bồi dưỡng độc hại, tổng thu nhập 8 triệu đồng/tháng, là mức cao so với mặt bằng của người dân ở đây. Thu nhập từ nghề cao su đủ để chị chăm lo đời sống gia đình và cho con cái đi học.

 

"Ðể được cấp chứng nhận FSC-FM/CoC đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đầu tư, đam mê và sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan. Việc duy trì chứng nhận sẽ khó hơn là nhận được chứng nhận ban đầu, do đó DN cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý vì lợi ích của xã hội, thiên nhiên, môi trường và sự thịnh vượng”.

Ông Krzysztof Wypij, Giám đốc Công ty TNHH Bureau Veritas Certification (tổ chức cấp chứng nhận FSC)

Ông Đậu Đình Quán, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cho biết, công ty hiện có gần 1.300 lao động, trong đó có 50% là người DTTS. Đơn vị xây dựng môi trường làm việc thân thiện, nhân văn, bảo đảm thu nhập, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân.

Cùng với sản xuất, kinh doanh, công ty đã tích cực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh và chăm lo công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Phát triển xanh và bền vững

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hiện là xu thế tất yếu để các ngành hàng vươn ra thị trường thế giới và tăng cạnh tranh. Các DN chế biến và xuất khẩu cao su cũng không ngoại lệ, nhất là khi các thị trường khó tính yêu cầu khắt khe đối với các mặt hàng cao su.

Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk (Dakruco) là đơn vi tiên phong trong phát triển cao su bền vững, đã đạt Chứng nhận FSC-FM/CoC cho việc quản lý rừng bền vững và sẵn sàng đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho sản phẩm cao su. DN này quản lý trên 10 nghìn héc-ta cao su và khởi động dự án “Chương trình phát triển rừng cao su bền vững” từ cuối năm 2020. Theo đó, công ty đã thành lập Ban phát triển cao su bền vững; cử cán bộ, công nhân viên đi tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo có liên quan đến phát triển bền vững; tiến hành sửa đổi các quy trình để phù hợp với 10 nguyên tắc trong Bộ tiêu chuẩn quản lý rừng FSC-FM/CoC quốc gia Việt Nam. Đồng thời, tiến hành trồng cây rừng bản địa để đảm bảo diện tích phục hồi sinh thái. Tiến trình thực hiện những quy định của Liên minh châu Âu (EU) được lồng ghép tích hợp các hệ thống ISO công ty đang áp dụng. Dakruco hoàn thiện sửa đổi các quy trình để việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su từ vườn cây đến khi xuất bán cho khách hàng; định vị được vị trí các lô cao su; tuân thủ các quy định về sản phẩm không có nguồn gốc từ việc phá rừng.

Vườn cao su của Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Đầu năm 2024, Chuỗi hành trình sản phẩm tại nhà máy chế biến mủ cao su và Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững được cấp chứng nhận FSC-FM/CoC với diện tích gần 1.122 ha tại Nông trường 19/8 và Nông trường Phú Xuân. Đây là DN đầu tiên ở Đắk Lắk và thứ tư cả nước được cấp Chứng nhận FSC-FM/CoC đối với vườn cây cao su và là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận này cho sản phẩm mủ cao su. Sản phẩm đạt chứng nhận bền vững đã xuất sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai thực hiện Hệ thống quản lý rừng cao su bền vững, hướng đến mục tiêu 100% diện tích rừng cao su có Chứng nhận FSC-FM/CoC, sản phẩm có đầy đủ tính minh bạch, đảm bảo chất lượng, hướng đến sự phát triển bền vững chung của ba yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường.

Hiện nay, nhiều DN cao su trên địa bàn tỉnh cũng đang bắt tay thực hiện phát triển cao su bền vững. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, phát triển cao su đạt Chứng nhận FSC-FM/CoC giúp DN tăng thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận, khả năng tuân thủ luật lệ và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Trong bối cảnh thế giới ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại đến hệ sinh thái, sản xuất bền vững sẽ nâng cao uy tín của ngành cao su Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường, xã hội và Chương trình NetZero của Chính phủ Việt Nam.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cho biên cương mãi xanh!
Vượt lên nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết quê hương, những người lính “quân hàm xanh” luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giữ bình yên biên giới quốc gia để nhân dân được vui Xuân, đón Tết an toàn.
Trang tin địa phương