Multimedia Đọc Báo in

Linh thiêng Đất Tổ

07:47, 07/04/2025

Đất Tổ linh thiêng nơi Vua Hùng đóng đô, dựng nước, với sợi chỉ đỏ kết nối bền chặt là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, là biểu tượng thiêng liêng, là niềm tự hào dân tộc về nguồn cội “con Rồng cháu Tiên”.

Tự hào “con Lạc, cháu Hồng”

Hiếm có một đất nước nào trên thế giới như Việt Nam, mỗi người dân khi sinh ra và lớn lên luôn tự hào mình là con trong cùng “một bọc”, là nòi giống “Tiên Rồng” cao quý. Ý niệm về hai chữ “đồng bào” đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành sợi dây kết nối bền chặt của cộng đồng 54 dân tộc.

Biểu tượng thiêng liêng cho cội nguồn dân tộc hội tụ ở vùng đất Tổ Phú Thọ, nơi có núi Nghĩa Lĩnh cao sừng sững và Đền Hùng linh thiêng soi bóng xuống dòng Đà giang. Mỗi di tích trên núi Nghĩa Lĩnh là những điểm nhấn về di sản cội nguồn như Đại môn (cổng chính), đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Thiên Quang, giếng cổ, lăng Hùng Vương, cột đá thề, đền Giếng, đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân…

Lễ hội Đền Hùng hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, cột đá thề vang vọng lời thề xưa của Thục Phán An Dương Vương, truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu dâng cúng trời đất, tổ tiên bánh chưng, bánh giầy, thể hiện lòng thảo thơm của muôn dân đối với công lao trời biển của các Vua Hùng, minh chứng cho sự gắn kết hài hòa giữa trời và đất, sự gắn kết cộng đồng. Từ giá trị nhân văn cao đẹp đó, nghĩa đồng bào đã kết nối thành lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam. Để rồi, triết lý nguồn cội “con Lạc, cháu Hồng” là sức mạnh của cả dân tộc trong hành trình vươn ra năm châu bốn bể, hội nhập với quốc tế.

Đã từ xa xưa, người dân đất Việt vẫn truyền nhau câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” để nhắc nhở nhau rằng dù ở bất cứ phương trời nào, dù ăn đâu làm đâu, đến tháng Ba âm lịch, cũng biết cúi đầu nhớ về ngày giỗ Tổ, nhớ về nguồn cội sinh thành. Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là sợi dây tinh thần bền vững kết nối bao thế hệ, bao vùng miền và người dân đất Việt.

Hòa mình vào không gian lễ hội, mỗi người dân đất Việt trong cộng đồng làng xã đều bảo ban nhau, cùng nhau làm nên những lễ vật thể hiện lòng thành kính, sự thảo thơm để dâng lên anh linh tiên tổ với lòng tri ân sâu sắc. Người Việt Nam sinh sống và lao động ở nước ngoài cũng hướng về đất Tổ với niềm thành kính sâu sắc qua việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng Vua Hùng vào những dịp lễ, Tết, Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trường tồn và lan tỏa

Sự kiện UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào không chỉ của vùng đất Phú Thọ mà còn sự khẳng định sức sống, giá trị của di sản thời đại Hùng Vương. Đồng thời, trên dải đất Phú Thọ, bên triền sông Hồng, sông Lô, sông Đà, có trên 300 di tích lịch sử gắn với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Mỗi làng, xã nơi có các di tích đều tổ chức thực hành thờ cúng Hùng Vương theo đúng nghi thức, tục lệ và bản sắc được lưu giữ từ xa xưa. Thông qua các lễ hội, sự gắn kết cộng đồng được thể hiện rõ nét. Phải kể đến như Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, đền Chu Hưng (Hạ Hòa); đền Lăng Sương, đình, đền Đào Xá (Thanh Thủy); Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa tại Di tích Đàn tịch điền, phường Minh Nông (Việt Trì); Lễ hội Trò trám tại miếu Trò, xã Tứ Xã; Lễ hội rước Chúa Gái tại đình Cả (Lâm Thao); Lễ hội đền Bạch Hạc (Việt Trì)… cùng hàng trăm lễ hội tại các di tích đền, đình trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, các gia đình quanh vùng Việt Trì và các địa phương trong tỉnh Phú Thọ sắm sửa mâm cơm dâng cúng Vua Hùng, cúng tổ tiên là một trong những biểu hiện của nét đẹp văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân đất Tổ.

Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Không chỉ ở địa bàn tỉnh Phú Thọ và khu vực phía Bắc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn phát triển, lan tỏa mạnh mẽ về khu vực phương Nam với bản sắc độc đáo, đậm đà tính dân tộc. Đó là các ngôi đền thờ Vua Hùng được xây dựng tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang… Trải qua năm tháng, các di tích và lễ hội tại các địa phương là những minh chứng tiêu biểu cho sức sống trường tồn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm tựa tâm linh xuyên suốt và sợi dây kết nối bền vững, làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Mỗi người dân đất Việt luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, luôn tự hào hướng về cội nguồn và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc