Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vượt qua mùa khô hạn

07:18, 24/04/2025

Đắk Lắk đang ở giai đoạn cuối mùa khô nhưng do tổng lượng mưa năm 2024 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khiến sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ khô hạn.

Nhiều địa phương đang triển khai các giải pháp cấp bách để “cầm cự” đến cuối vụ Đông Xuân 2024 - 2025, hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Nỗ lực đưa cây lúa "cán đích"

Năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận tổng lượng mưa 1.623 mm, thấp hơn 10% so với trung bình nhiều năm. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi một số khu vực như Ea H’leo, Buôn Đôn, Krông Năng lượng mưa hụt đến 20 – 40%. Tính đến giữa tháng 4/2025, lượng mưa trung bình toàn tỉnh chỉ đạt 59,8 mm, thấp hơn từ 40 – 60% so với cùng kỳ nhiều năm, đẩy nguy cơ khô hạn lên cao. Đặc biệt, tại các vùng phụ thuộc vào hệ thống hồ chứa, tình trạng thiếu nước cục bộ đã bắt đầu gây ảnh hưởng.

Ông Phạm Quốc Tuấn, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 7 hồ chứa, với tổng diện tích tưới gần 8.500 ha, trong đó hồ Ea Súp thượng bảo đảm tưới 8.300 ha.

Chi nhánh đã phải triển khai tưới luân phiên từ giữa tháng 3/2025 khi hồ Ea Súp thượng cạn chạm ngưỡng báo động. Đến nay, diện tích trong vùng tưới chưa ghi nhận thiệt hại do khô hạn, nhưng nguy cơ thiếu nước cuối vụ ở các xã Ya Tờ Mốt, Ia Rvê và Ea Bung là rất lớn.

Đáng lo ngại hơn là đến giữa tháng 4/2025, hồ Ea Súp thượng đã xuống dưới mực nước chết 1,7 m, buộc đơn vị phải tính đến phương án sử dụng nguồn nước dự trữ ở hồ Ea Súp hạ để tưới thêm một lần nữa nếu đến cuối tháng 4/2025 vẫn chưa có mưa.

Nhờ chủ động các giải pháp chống hạn từ đầu vụ nên nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Ea Súp đang cho thu hoạch sớm, tránh được nguy cơ hạn cuối vụ.

Đáng mừng là đến thời điểm này, trên một số cánh đồng của vựa lúa biên giới Ea Súp, nông dân đã bắt đầu thu hoạch những trà lúa chín sớm. Ông Nguyễn Tấn Bình (xã Cư M’lan) thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua được mùa khô an toàn khi 1,5 ha lúa ST25 của gia đình đã cho thu hoạch, đạt năng suất gần 10 tấn/ha. “Nhiều trà lúa cuối vụ đang rất lo vì thiếu nước tưới để duy trì đến lúc thu hoạch. Bà con đang cố gắng tiết kiệm nước tưới và mong có cơn mưa sớm”, ông Bình cho hay.

Còn ông Trần Văn Vạn (thôn 1, xã Ea Bung) chia sẻ, từ đầu vụ đến nay, chi nhánh thủy lợi và nông dân tích cực phối hợp với nhau để sử dụng nguồn nước hiệu quả, bảo đảm nước tưới cho đến cuối vụ. Tuy nhiên, hồ Ea Súp thượng cũng đã cạn, nhiều cánh đồng lúa chưa đến thời điểm gặt nên cũng khá lo. Hy vọng thời gian tới trời không nắng gắt hoặc có thêm trận mưa đủ để cánh đồng chờ đến khi thu hoạch.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước những thách thức về nguồn nước, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, ngay từ đầu vụ, công ty đã chủ động rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước, diện tích tưới của từng công trình để lập phương án phòng, chống hạn.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy sớm lịch thời vụ ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, kiên quyết cắt giảm diện tích tưới ở những công trình không bảo đảm nguồn cung như hồ Ea Nong (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc).

Bên cạnh đó, công ty cũng đã chỉ đạo các chi nhánh trong thời gian mở cống phục vụ tưới phải bố trí người thường xuyên túc trực tại công trình, tưới tiết kiệm, điều tiết nước hợp lý ngay từ đầu vụ, không để thất thoát nguồn nước.

Hồ Ea Súp thượng hiện đã cạn trơ đáy.

Mặc dù vậy, ông Bảo cũng bày tỏ lo ngại về tình hình lâu dài khi đã có 32 hồ chứa cạn nước, riêng hồ Ea Súp thượng đã xuống rất thấp; ở các khu vực phía Bắc của tỉnh, người dân đang phải sử dụng nước giếng khoan hỗ trợ tưới cà phê vì các hồ nhỏ đã cạn kiệt nước.

“Đến thời điểm này, công ty đã và đang thực hiện chống hạn cho 7 công trình, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Hiện nay, công ty cũng đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để có chỉ đạo kịp thời đối với công tác phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và có phương án phục vụ sản xuất cho bà con nông dân đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Bảo cho hay.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đắk Lắk hiện có 69.360 ha cây trồng ngắn ngày vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và 373.772 ha cây lâu năm.

Trong bối cảnh nhu cầu nước tưới của các loại cây trồng đang tăng cao vào mùa khô, Sở đã yêu cầu các địa phương chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm...) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô 2024 - 2025.

Đồng thời, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, nâng cao ngưỡng tràn bằng bao tải cát; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.