Tiền đồ cá nhân và tiền đồ dân tộc
"… Nếu muốn tách tiền đồ của mình ra khỏi tiền đồ của nhân dân, thì chỉ có nhảy xuống bể mà bơi. Thế thì người ấy có tiền đồ không? Không! Muốn tiền đồ mình vẻ vang, nhất định vẻ vang thì phải làm cho tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẻ vang, phải gắn liền tiền đồ của mình với tiền đồ dân tộc, tiền đồ giai cấp, không thể tách riêng được”, lời chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấm thía và sâu sắc khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Con tàu và xe lửa
Sinh thời, trong một số buổi nói chuyện, làm việc với các ngành, địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lấy hình ảnh con tàu và xe lửa để nói về mối quan hệ giữa “tiền đồ cá nhân” và “tiền đồ tập thể”.
Trong một dịp nói chuyện với nhân dân Hải Phòng, để nói đến cái riêng và cái chung, rất dễ hiểu và gần gũi, Người ví dụ: “… Nếu chiếc tàu chạy nhanh thì tất cả cái gì trên tàu cũng đều nhanh, nếu tàu chạy chậm thì tất cả đều chậm cả, chiếc tàu là tiền đồ chung của cả nước, cả nhân dân, còn tiền đồ cá nhân như cái máy, hàng hóa, thủy thủ,...”.
Nói chuyện với cán bộ cao cấp tại Hà Nội, Người sử dụng hình ảnh quen thuộc là xe lửa: “Tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ tập thể. Không cố gắng làm cho tập thể sung sướng, vẻ vang thì cá nhân không thể sung sướng vẻ vang được. Ví dụ, trong một chuyến xe lửa đang chạy (chuyến xe lửa là một tập thể), có người nghĩ rằng: "Cùng đi thế này chậm, ta nhảy xuống chạy chắc nhanh hơn". Thế là nguy hiểm”.
![]() |
Tuổi trẻ Việt Nam xung kích tình nguyện và nhiệt huyết cống hiến. Ảnh: Vân Anh |
Tại một hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục, cũng với thông điệp về tiền đồ cá nhân nằm trong tiền đồ tập thể, Bác phân tích: “Tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ chung của dân tộc. Nhưng có người muốn tiền đồ của mình tiến mau hơn tiền đồ của dân tộc. Trong khi kinh tế tài chính của ta có khó khăn lại muốn một mình ăn no mặc ấm. Ví dụ, ngoài đường kia có tàu điện chạy qua. Trong tàu điện có gái, trai, già, trẻ. Tàu điện đi đến đâu thì mọi người đi đến đó. Nhưng có người nói tàu điện chạy chậm quá muốn riêng mình đi cho mau, muốn nhảy ra khỏi tàu điện để chạy lên trước. Kết quả sẽ thế nào? Có thể là què chân, gãy tay. Vì vậy, không thể tách rời tiền đồ của cá nhân mình với tiền đồ của toàn dân, toàn Đảng”.
Thứ chủ nghĩa ích kỷ, hẹp hòi, “Việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”, ấy là biểu hiện nổi bật của chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”; “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”; làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng; gây những tổn thất lớn về tài sản của tập thể, của Nhà nước, của Nhân dân; tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức.
Tiền đồ Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc bài học về con tàu, xe lửa như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ huấn, lớp lớp thế hệ đã kiêu hùng trên hành trình đấu tranh bền bỉ, kiên cường với giặc ngoại xâm; hạnh phúc riêng nằm trong hạnh phúc chung. Trong hòa bình và công cuộc dựng xây đất nước, một cuộc chiến cam go và phức tạp không kém ấy là đấu tranh với “giặc nội xâm”, với sự “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, với ma lực của tiền tài và địa vị để gây dựng cho cái gọi là tiền đồ cá nhân.
Nỗ lực đấu tranh bền bỉ, liên tục qua nhiều giai đoạn cách mạng, thực tiễn gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. (Trích trong nội dung trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 31/10/2024 tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV - Nguồn: Tạp chí Cộng sản) |
Cơ đồ của đất nước hôm nay là nền tảng, bệ phóng cho hiện tại và tương lai mỗi người, đồng thời tạo thế và lực bứt phá, mở ra một tiền đồ cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh với đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Ngày 31/10/2024, tại buổi nói chuyện với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (lớp thứ 3), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới với 7 định hướng chiến lược.
Một là về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.
Hai là về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính.
Ba là về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ trương chiến lược là tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
![]() |
Lễ kết nạp đoàn viên mới nơi biên giới. Ảnh: Vân Anh |
Bốn là về chuyển đổi số, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số.
Năm là chống lãng phí, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp.
Sáu là về cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số. Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Bảy là về kinh tế, đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là ưu tiên cao nhất. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Với 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ và xác định, cho thấy cần sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ của mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và hệ thống chính trị vì tiền đồ tương lai đất nước.
Thuận Thành
Ý kiến bạn đọc