Multimedia Đọc Báo in

Lục bát - thể thơ dân tộc đồng hành cùng cách mạng

07:27, 29/08/2021

Lục bát là thể thơ mang đậm tâm hồn, cốt cách Việt. Đây là thể thơ phổ biến trong quảng đại quần chúng nhân dân. Nhân dân là đồng tác giả và đồng thời cũng là độc giả. Điều này thể hiện rất rõ qua kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện nôm khuyết danh...

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà. Trong quá trình vận động cách mạng từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Cách mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn học trở thành vũ khí, công cụ tuyên truyền, tham gia cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, hơn 95% dân số nước ta mù chữ. Nhưng đó lại là lực lượng đông đảo, làm nên sức mạnh to lớn giúp cách mạng thành công. Vũ khí tuyên truyền bằng thơ ca đã được các nhà cách mạng sử dụng để tập hợp những con người “than bụi lầy bùn” đứng lên dưới ngọn cờ của Đảng. Trong kho tàng thơ ca cách mạng, các thể thơ dân tộc được sử dụng nhiều như lục bát, song thất lục bát. Tư tưởng cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng được cụ thể hóa bằng lời ca theo các thể thơ dân tộc quen thuộc đã đi vào quần chúng nhân dân một cách tự nhiên như ca dao, tục ngữ ngàn đời nay.

Tượng đài Mẹ Suốt bên sông Nhật Lệ. Ảnh: baoquangbinh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vận dụng thành công thể lục bát vào việc sáng tác những bài ca tuyên truyền, vận động quần chúng. Trở về nước sau ba mươi năm bôn ba khắp thế giới tìm con đường giải phóng dân tộc, Người đã sáng tác một loạt bài ca tuyên truyền cách mạng bằng thể lục bát như: Việt Nam yêu cầu ca, Mười chính sách của Việt Minh, Dân cày, Kêu gọi thiếu nhi, Công nhân, Ca binh lính, Ca sợi chỉ, Con cáo và tổ ong, Kinh nghiệm du kích đánh Tây… Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhiều bài thơ lục bát của Người thấm đượm chất trữ tình cách mạng kết hợp với cảm hứng anh hùng ca của thời đại mà đỉnh cao là bài “Mừng Xuân 1969”: Năm qua thắng lợi vẻ vang,/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do,/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên!/Chiến sĩ, đồng bào!/Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

Thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 có nhiều tác giả vận dụng thể lục bát trong sáng tác của mình nhưng có lẽ thành công nhất là Tố Hữu. Nhiều tác phẩm viết bằng thể thơ lục bát của ông một thời đi vào lòng bạn đọc như món ăn tinh thần không thể thiếu qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc như: Sáng tháng Năm, Bầm ơi, Việt Bắc, Tiếng ru, Kính gửi Cụ Nguyễn Du, Mẹ Suốt, Nước non ngàn dặm…

Đó là hình ảnh lãnh tụ: Bác ngồi đó, lớn mênh mông/Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non... (Sáng tháng Năm). Là ân tình cách mạng trong những ngày tháng cực kỳ gian khổ của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp: Ta đi, ta nhớ những ngày/Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi.../Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. (Việt Bắc). Là người Mẹ Việt Nam anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?/Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/Tàu bay hắn bắn sớm trưa/Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò... (Mẹ Suốt).

Ngày nay, giữa bộn bề lo toan, khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại đã len vào tận mọi ngõ ngách của cuộc sống, những tưởng lục bát sẽ đi vào quên lãng, nhưng nó vẫn sống mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.