Multimedia Đọc Báo in

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa cồng chiêng cho giới trẻ

08:50, 15/08/2021

Thời gian qua, hoạt động truyền dạy cồng chiêng và các loại hình văn hóa truyền thống được nhiều bạn trẻ ở huyện M’Drắk nhiệt tình hưởng ứng, tham gia.

Mê tiếng chiêng và điệu múa xoang từ bé, khi theo ông bà, bố mẹ tham gia các lễ cúng bến nước, cúng mừng lúa mới trong buôn làng, chị H’Lanh Niê (ở buôn M’Lốc A, xã Krông Jing) đã tìm tòi học hỏi từ các anh chị, già làng và một số nghệ nhân trong và ngoài buôn những điệu múa xoang như: Vào hội, mời rượu, mời khách… Nhờ yêu thích, có năng khiếu và tiếp thu nhanh, chị nhanh chóng biểu diễn thành thạo những bài múa. Chị còn tham gia các lớp học múa xoang, đánh cồng chiêng do Trung tâm văn hóa – thể thao huyện M’Drắk tổ chức.

Mong muốn giữ gìn, lan tỏa đam mê văn hóa truyền thống, với vai trò buôn phó buôn M’Lốc A, chị H’Lanh phối hợp với Ban văn hóa xã tập hợp những bạn trẻ trong buôn và các buôn lân cận như các buôn Hoang, M’Um, Tai có năng khiếu và chung đam mê để thành lập các đội đánh cồng chiêng và múa xoang. Từ một đội cồng chiêng múa xoang ban đầu, đến nay xã Krông Jing đã có 15 đội cồng chiêng và 4 đội múa xoang với 145 thành viên thường xuyên tham gia luyện tập. Nhiều thanh niên trên địa bàn xã hiện đã thành thạo nhiều bài đánh chiêng và múa xoang cơ bản.

Đội chiêng măng non của Trường Phổ thông dân tộc nội trú –THCS huyện M’Drắk biểu diễn trong một hoạt động của trường. Ảnh: S.Nguyệt

Từ nhiều năm nay, Trường Phổ thông dân tộc nội trú – THCS huyện M’Drắk đã đưa vào hoạt động giảng dạy văn hóa cồng chiêng cho học sinh. Từ một đội chiêng với 5 học sinh đam mê cồng chiêng, đến nay nhà trường đã duy trì và xây dựng được 5 đội chiêng, 1 đội múa xoang với 38 học sinh tham gia luyện tập, biểu diễn. Nhà trường đã phối hợp với Huyện Đoàn và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mời các già làng, những nghệ nhân lớn tuổi, am hiểu kỹ thuật đánh cồng chiêng ở các buôn trên địa bàn huyện như nghệ nhân Ama Khiêm, Ama An, Ama Phin... về trực tiếp giảng dạy.

Tham gia lớp học đặc biệt này, các em được chỉ dạy từ những kiến thức, kỹ năng cơ bản như đeo chiêng đúng, cách kê tay vào lòng chiêng, cách để tạo ra âm thanh trầm, bổng luyến láy theo từng bài chiêng, từng điệu chiêng... đến kỹ thuật cao hơn là tấu các bài chiêng thường được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống của người Êđê như mừng lễ hội, mừng lúa mới, mừng năm mới và kết hợp với các bài múa xoang...

Những nỗ lực truyền dạy đã và đang nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê văn hóa truyền thống cho giới trẻ, góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê.

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.