Tản mạn về cà phê Ban Mê
Lần nào uống cà phê ở Buôn Ma Thuột cùng bạn bè, tôi cũng nhớ đến câu thơ: “Bạn ơi! Rót nữa cho tôi/ Tôi không muốn ngủ - Núi đồi trăng trong...” (Nông trường cà phê - Tế Hanh).
Nhớ câu thơ trên là vì tôi tự hỏi, nhân loại tìm thấy gì qua thức uống đắng ngọt này? Hỏi rồi tự trả lời: để tìm sự thao thức, tỉnh táo. Đời người ngắn ngủi, thật uổng phí khi dành thời gian quá nhiều cho giấc ngủ mà rồi cuối cùng ai cũng phải chìm vào giấc thiên thu.
Uống cà phê ở Buôn Ma Thuột có cái thú riêng so với nhiều nơi khác. Cà phê Hà Nội theo tôi là hơi “Tây”; cà phê Sài Gòn thì xô bồ, nhiều nết, nhiều kiểu; cà phê Đà Lạt và Huế có hương vị chừng mực như chính phong cách con người ở đó. Nghĩa là, cà phê Hà Nội nghiêng về kiểu cách, cà phê Sài Gòn thiên về giải khát, cà phê Đà Lạt, Huế nặng về nội tâm… Còn cà phê ở Buôn Ma Thuột theo tôi là trải nghiệm thưởng thức, chuộng cả “vị” và “hương”, đậm mà không đặc, cách pha chế, cách uống không quá cầu kỳ nhưng cũng không hời hợt. Những nơi khác, cà phê thường được uống vào buổi sáng sớm nhưng ở Buôn Ma Thuột nhiều người có thói quen uống cà phê cả khi chiều tối, thậm chí đêm khuya trước khi đi ngủ. Tôi hay đùa với bạn bè, ở đây cà phê “uống” người...
Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ 19, do các nhà truyền giáo phương Tây mang sang. Ban đầu, nó được trồng ở một số địa phương miền Bắc như Ba Vì (Hà Tây), Lạng Sơn...; sau đó tiếp tục được trồng một số địa phương miền Trung như Khe Sanh (Quảng Trị), Cẩm Lệ (Đà Nẵng)... rồi cuối cùng dừng chân ở Tây Nguyên. Khí hậu, thổ nhưỡng của cao nguyên bazan đã “khoác vương miện” cho loài cây hoa trắng hạt thơm, và từ đó Tây Nguyên được mặc định là “Vương quốc cà phê”.
Khách du lịch thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Nói đến văn hóa cà phê, tôi lại nghĩ về Buôn Ma Thuột. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Nguyễn Cường có ca khúc nổi tiếng “Ly cà phê Ban Mê”.
Thành phố cao nguyên này dày đặc quán cà phê, nếu mỗi ngày uống một quán khác nhau thì có khi cả năm chưa giáp vòng. Về hình thức, các quán cà phê ở đây khá đa dạng, có quán vỉa hè dành cho người lao động hoặc viên chức uống vội trước giờ hành chính; có quán bài trí cỏ hoa thơ mộng dành cho những đôi tình nhân trẻ tuổi, nhiều quán dùng nhạc Trịnh làm nền cho người hoài niệm, đắm mình trong ký ức và không ít quán có nội thất sang trọng dành cho đại gia, doanh nhân mượn cà phê làm nơi giao đãi…
Hình thức quán xá có khác, nguyên liệu cà phê có thể bình dân hoặc cao cấp nhưng cách pha chế thì không khác nhau là mấy. Ngoài cà phê pha sẵn, uống nhanh, còn lại thường là pha phin. Cà phê pha phin là khúc dạo đầu cho “bản nhạc hương vị cà phê”, giống như màn khởi động trong các môn thể thao.
Cà phê ở Buôn Ma Thuột thường pha đậm, uống theo kiểu nguyên rin, chỉ khi trời nóng mới cho thêm đá lạnh nhưng rất ít, chỉ 1 - 2 viên đá nhỏ. Khi uống nhấp môi từng ngụm nhỏ rồi chậm rãi chiêu thêm hớp trà hoặc chè xanh pha loãng. Có lẽ, uống như thế mới đủ độ “phê”, mới thưởng thức trọn vẹn hương thơm đắng ngọt trong từng khoảnh khắc của vị giác, thị giác, khứu giác…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng có tập thơ nổi tiếng với cái tên “Sự mất ngủ của lửa”. Phỏng theo cách nói thi sĩ, có thể định danh Buôn Ma Thuột là thành phố tồn tại bằng “sự mất ngủ của cà phê”. Nhưng nói thế, dễ nhiều người không hài lòng vì đặt cà phê vào vị thế chủ động làm nên “sự mất ngủ”. Tôi đành phải mượn lại ý nhà thơ Tế Hanh: Tôi không muốn ngủ, bạn ơi! Tôi không muốn ngủ là để dành những khoảng khắc thức cùng thành phố đất đỏ, cây xanh này, thức cùng bè bạn và những tháng năm tuổi trẻ phong trần dọc ngang cao nguyên bazan.
Và biết đâu, từng có cả đôi mắt hạt huyền như hai giọt sương, lấp lánh sau chùm hoa cà phê trắng như bông tuyết, ở một góc vườn Ban Mê, trong phút giây nào đó đã đốn ngộ lòng tôi một trời thao thức…
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc