Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là một trong 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố có di sản nói trên tăng cường công tác quản lý nhà nước và tiếp tục thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO.
Một chương trình tìm hiểu về âm nhạc cồng chiêng dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức. |
Thực hiện chỉ đạo đó, ngày 20-9-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai các nội dung: Tập trung tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện Chương trình hành động quốc gia đã cam kết với UNESCO về Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; tạo mọi điều kiện cho người dân, cộng đồng thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản văn hóa cồng chiêng.
Tăng cường các hình thức giáo dục, truyền dạy diễn tấu cồng chiêng trong các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
Tiếp tục phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của tỉnh, đơn vị, địa phương. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch bản chất di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và niềm tin của Nhân dân.
Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng xã Cư Pui (huyện Krông Bông) năm 2019. |
Được biết, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng được tỉnh Đắk Lắk quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm (2016-2020) đã cấp 26 bộ chiêng cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ; mở 12 lớp học truyền dạy kỹ năng diễn xướng cồng chiêng, chỉnh sửa chiêng cho gần 500 học viên và nghệ nhân am hiểu văn hóa cồng chiêng; khảo sát, nghiên cứu và tái hiện hơn 120 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn bó mật thiết với cồng chiêng; sưu tầm, bảo tồn hàng chục bài chiêng cổ …
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc