Multimedia Đọc Báo in

Những già làng miền núi mặc áo dài khăn đóng

15:39, 25/10/2021

Áo dài khăn đóng là trang phục truyền thống của người Kinh. Ít người biết rằng áo dài khăn đóng còn là loại trang phục được ưa thích của các già làng một số dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.

Đồng bào gọi đó là “áo bông tròn” vì hoa văn hình tròn tượng hình chữ “Thọ”, chữ “Vạn”, rồng trên nền vải lụa, không giống như hoa văn băng dải dạng hình học, đường gấp khúc trên vải thổ cẩm của người miền núi.

Việc ăn mặc này xuất phát từ quá trình tiếp xúc, ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau giữa các nhóm dân cư. Trong đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi đã xuất hiện sự “vay mượn văn hóa” (cultural borrowings), tiếp nhận các sản phẩm văn hóa của tộc người khác, trong đó có sự tiếp nhận các loại hình trang phục của các dân tộc cận cư. Trong lễ hội, người Cơ Tu, người Cor, Tà Ôi... bên cạnh trang phục truyền thống khố áo thổ cẩm, các già làng thường mặc áo dài khăn đóng. 

Ông Phan Hộ cùng ông Tôn Thất Hối thăm các thủ lĩnh bản địa năm 1934. Ảnh tư liệu

Ông Phan Hộ (người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là người Kinh đầu tiên đến lập làng ở Đắk Lắk. Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Êđê và được sự giúp đỡ của vị tù trưởng nổi tiếng Ama Thuột, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm.

Năm 1928 ông quay về Khánh Hòa đưa anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng Lạc Giao. Đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu giao lưu với người Kinh. Trong ảnh tư liệu của người Pháp chụp vào những năm 1920 có ghi lại hình ảnh Công sứ Sabatier và các cộng sự người Thượng bản địa mặc âu phục và trang phục áo dài khăn đóng của người Kinh.

Đặc biệt bức ảnh ông Phạm Hộ và ông Tôn Thất Hối thăm hỏi các thủ lĩnh, già làng ở Buôn Ma Thuột năm 1934, các nhân vật chính trong ảnh đều mặc áo dài khăn đóng. 

Trong lễ kết nghĩa, lễ cưới, hát lý - nói lý, già làng Cơ Tu, Tà Ôi thường mặc áo dài lụa xanh, đội khăn đóng, đeo nhiều món trang sức tùy theo sở thích của từng người. Dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, Quảng Bình, các thầy mo, thầy cúng bắt buộc phải mặc áo dài lụa màu xanh trong lúc thực hành các lễ nghi. Bộ sưu tập ảnh chủ đề “Thần linh - Tổ tiên - Thầy cúng” (Triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm 2018) của nhà dân tộc học nổi tiếng Vagryas Gabo có khá nhiều ảnh chụp thầy cúng người Bru - Vân Kiều mặc áo dài khăn đóng.

Trang phục áo dài khăn đóng của già làng Cơ Tu trong lễ kết nghĩa anh em giữa hai làng. Ảnh: Tấn Vịnh

Các vị già làng dân tộc Cor cũng hay mặc áo dài. Áo thường may kiểu áo kép, có nhiều màu, xanh đỏ, vàng, tím, xanh lá cây… Riêng trong lễ tang người ta kiêng mặc áo dài màu đỏ.

Một số già làng dân tộc Cor vùng “Đường nước” thuộc địa phận huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi lại ưa dùng chiếc áo dài màu đỏ. Để không mất đi bản sắc, thay vì chiếc khăn đóng, người ta lại dùng chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ hoa văn, màu sắc.

Hay chiếc áo dài có cách may riêng không giống với người Kinh. Cá biệt, có nơi đồng bào kết hợp giữa trang phục của người Kinh với trang phục dân tộc: mặc áo dài và đóng khố...

Vấn đề khác nhau giữa trang phục của đàn ông người Kinh và các già làng miền núi chính ở bộ trang sức kèm theo. Đàn ông người Kinh không đeo trang sức kèm theo áo dài, trong khi đó các già làng miền núi lại rất coi trọng bộ trang sức khi diện áo dài khăn đóng. Lễ hội là dịp để các già làng khoe những món trang sức đắc giá nhất của gia đình.

Điều này thể hiện tính cách, sự giàu có, sang trọng của từng người. Chỉ những gia đình giàu có mới có áo dài đẹp và bộ trang sức quý hiếm. Trang sức mã não, nanh heo, vuốt thú, cườm đá, vỏ ốc... được xâu thành chuỗi hỗn hợp tạo ra bộ trang phục hoàn chỉnh nhất.

Áo dài khăn đóng là trang phục truyền thống của dân tộc Kinh nhưng lại có sức hút đối với một số dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Nó là trang phục không thể thiếu của các già làng, thầy cúng trong những nghi lễ thiêng liêng.

Chiếc “áo bông tròn” cũng góp phần làm cho lễ hội thêm phần long trọng, nghiêm trang, màu sắc đa dạng, tươi vui hơn. Sự giao thoa văn hóa đã cho đồng bào sự lựa chọn phù hợp để làm đẹp, làm phong phú hơn đời sống văn hóa của tộc người.

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.