Trong âm vọng đại ngàn
Nhắc đến Tây Nguyên, tôi thường nghĩ đến những yếu tố quan trọng gắn kết với vùng đất huyền bí này - đó chính là đại ngàn, là con người trong cõi đại ngàn, là âm vang đại ngàn, lửa đại ngàn và thác nước tuôn trào nhựa sống giữa trùng điệp núi rừng.
Đại ngàn là từ để gọi những cánh rừng bạt ngàn mênh mông và đã có hàng triệu năm tuổi. Tuổi của đại ngàn gắn với tuổi của núi, của sông, của cả bình minh và hoàng hôn. Đại ngàn chính là mái tóc của núi, làm cho núi có sức mạnh, làm cho mây biết kéo nhau về làm ra mưa, ơn lành của trời đất ban tặng Tây Nguyên.
Con người trong cõi đại ngàn là những người đã sống qua hàng ngàn năm gắn bó với rừng. Họ được sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng, ăn uống tắm gội cùng rừng và kiến tạo nên nền văn hóa từ rừng. Khởi thủy của sinh tồn con người đại ngàn Tây Nguyên là cây nỏ và mũi tên.
Từ khi mang cây nỏ, con người đại ngàn đã đồng nhất ý chí của mình với mũi tên bắn ra, không chỉ là con mồi chết gục mà còn tỏ bày với thế giới sự khéo léo, dũng cảm của mình.
Người Tây Nguyên với cây nỏ là biểu tượng của tinh thần thủ lĩnh. Họ thực chứng được chủ thể núi rừng của mình qua việc chế tác nỏ. Người Xê đăng dùng cây k’sam làm nỏ; người Ba Na, Êđê thì dùng 3 loại gỗ là trắc, giáng hương và bruâh để chế tạo nên thứ vũ khí đặc trưng này.
Đây là điều được coi như một sự bí mật, các nghệ nhân cũng không ai cắt nghĩa được tại sao; chỉ có người cổ xưa với bí ẩn đại ngàn biết bí kíp để truyền thừa và đã chôn vùi cuốn sách bí ẩn trong nghìn lớp rêu đá.
Đỉnh cao của âm vọng đại ngàn Tây Nguyên là cồng chiêng, nay đã là di sản văn hóa nhân loại. Trước đó, trong thời đại đồ đá, người Tây Nguyên đã có cồng đá, chiêng đá; sang thời đại đồ đồng, cồng chiêng xuất hiện và đi theo mỗi bước chân kiên định như đá và trung thành như dòng nước của đại ngàn.
Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để giao tiếp với siêu nhiên; đánh để mừng vui mùa lên rẫy, mừng lúa mới, cầu mưa, cầu mùa... Âm thanh cồng chiêng khi thôi thúc trầm hùng, khi ngân nga sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng vọng từ thung sâu, ngập òa tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người. Cùng với tuổi con trăng, mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ càng vọng thì quyền lực của vị thần càng cao.
Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia |
Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… hay trong một buổi nghe khan đều có tiếng cồng, tiếng chiêng hòa vọng. Dù chiêng núm hay chiêng bằng, tiếng chiêng đại ngàn bao giờ cũng dài hơn đời người. Tiếng chiêng kết dính, nối liền, lưu truyền âm vang qua bao thế hệ.
Cồng chiêng đại ngàn gắn với sử thi. Người Êđê kể khan Đam San, người M’nông kể Ot n’trong, người Bana kể H’amon, người J’rai kể Hri, người Xê đăng kể Tói kia rnghia, người Chu Ru kể Tr’o car, người Raglai kể Akha jur car… Dịp lễ hội mở ra, người Tây Nguyên nhảy múa quanh ngọn lửa, cùng vít cần rượu để cùng nhau thắt những mối dây cộng cảm và cố kết cộng đồng, làm nên “phổ văn hóa rừng” vừa hùng tráng, vừa lãng mạn và bay bổng.
Người Tây Nguyên chân như rễ cây kơnia cắm chặt vào đất, tay như cơn gió đưa âm vang cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng sáo bay xa. Họ mạnh mẽ và tràn trề nhựa sống nhờ uống nước từ sông Krông Nô, Krông Ana, Sêrêpốk, Đắk Bla…
Bên con suối, dòng sông người Tây Nguyên hát: “Mất rừng chim không còn tiếng hót/ Mất suối sông cá không còn hơi thở/ Mất Mẹ rừng người sẽ tàn vong…”. Mãi mãi là như vậy, rừng đại ngàn luôn phải được gìn giữ cho âm vang đại ngàn, lửa đại ngàn, thác nguồn đại ngàn… không bao giờ lịm tắt và vơi cạn.
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc