Nhạc sĩ Phú Quang và những “Điều giản dị”…
Nhạc sĩ Phú Quang đã rời cõi trần ở tuổi 72, độ tuổi mà ông vẫn còn có thể cống hiến cho đời bằng những “đóa hoa âm nhạc” đủ hương thơm, sắc màu. Âm nhạc của ông đã bén rễ trong sâu thẳm tâm hồn những người yêu nhạc.
Bạn đến với nhạc Phú Quang, hay Phú Quang đến với bạn, vào lúc nào? Điều đó không quan trọng bằng một thực tế, dù thời thanh xuân hay khi tóc pha sương, âm nhạc của ông càng đến gần và dễ chiếm lĩnh tâm trạng mỗi chúng ta hơn.
Nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh Internet |
Nhạc hay là phải chạm được đến tận trái tim mỗi người, bật lên những cảm xúc kỳ lạ như những cơn sóng dâng lên trong lòng. Phải khiến cuộc đời mỗi người từng nhiều lúc “vịn” vào câu hát, để ký thác tâm trạng, thậm chí để đứng lên. Không ai yêu Phú Quang có thể phủ nhận âm nhạc ông đã tác động tới chính bản thân họ, dù ít hoặc nhiều, dù lúc này hay lúc khác.
Âm nhạc Phú Quang là thế. Một anh chàng sinh viên mới lớn học bài trong ký túc xá, đến doanh nhân thành đạt ngồi phòng lạnh hút xì gà; mấy anh công nhân đang uống rượu đế trong phòng trọ; một Việt kiều nơi viễn xứ…, hiếm ai không thuộc một vài câu hát của nhạc sĩ tài hoa này. 600 bài hát để lại, nếu chép tên vào mảnh giấy các bài, tung lên trời, nắm trong tay một mảnh, hẳn bạn sẽ bắt gặp một ca khúc quen thuộc, nổi tiếng. Nói thế để thấy gia sản âm nhạc đồ sộ của ông, một phong cách không lẫn vào đâu được, tựa như nhạc Trịnh, Trần Tiến, Phạm Duy, Lam Phương…
Riêng với quê hương Hà Nội, Phú Quang đã có thể mỉm cười bởi ông đã “đóng đinh” quá nhiều ca khúc về thủ đô. Đấy là việc cực khó bởi trong sự nghiệp sáng tác, viết về nơi sinh ra ta không phải dễ, huống gì viết nhiều và đều nổi tiếng. Phải có một tình yêu cực kỳ mãnh liệt, chảy như dòng sông Hồng chở đầy phù sa. Năm 2020, Phú Quang đã giành được giải thưởng hết sức cao quý - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Giải thưởng ra đời năm 2008, là sáng kiến của Báo Thể thao & Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái nhằm phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội và thấm đượm tình yêu thủ đô. Tiếc rằng, lúc đó ông đang trọng bệnh nên không thể đến nhận giải.
Mỗi nghệ sĩ lớn ra đi đều để lại một khoảng trống rất khó khỏa lấp. Bởi, họ là kết tinh một thời đại, một xu hướng. Họ như các nhà hiền triết truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ. Câu hỏi tại sao ngày xưa sản sinh ra biết bao nhạc sĩ tài hoa, vô vàn ca khúc hay, mà giờ hiếm vậy, sẽ luôn khó tìm ra lời giải.
Hãy nhìn đời sống, thị trường, thị hiếu âm nhạc hiện nay để lo lắng cho nền âm nhạc nước nhà trong tương lai. Cho dù đời sống giới showbiz hiện nay rất giàu, kỹ thuật hỗ trợ hành nghề đẳng cấp, nhưng chất lượng sản phẩm âm nhạc lại không tương xứng. Nhiều nhạc sĩ chỉ mới sáng tác vài ba bài hát có chút tiếng tăm đã tự coi mình như ngôi sao lớn. Đấy là chưa kể văn hóa ứng xử trong giới showbiz rất nhiều vấn đề, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ra bộ quy tắc ứng xử (đang dự thảo) áp dụng riêng cho giới nghệ sĩ.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Chúng ta thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Gần đây tôi không thấy có bài hát nào hay. Tôi nói vậy mong các văn nghệ sĩ đừng giận". Đấy không phải là trăn trở của riêng Tổng Bí thư cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc nói riêng. Đã đến lúc chúng ta cùng nhìn lại để hướng nền âm nhạc vừa đi đúng quỹ đạo, vừa thực sự là vườn ươm màu mỡ cho sáng tạo.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang, cuộc đời và sáng tác của ông đồ sộ nhưng đi vào lòng người một cách thật “giản dị”.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc