Từ Chư Yang Sin nhớ về Đakrông!
Theo nhiều sử liệu, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam rất sành điệu về khoản… chơi.
Vị cựu hoàng này từng cho xây biệt điện ở rất nhiều nơi từ Nam chí Bắc, riêng ở Đắk Lắk đã có 2 biệt điện. Ông có rất nhiều sở thích khác người và tốn kém, nhưng số một vẫn là đi săn. Nhưng lạ là ông gần như chỉ đi săn với một hành trình cố định: Gần thì là Quảng Trị, xa thì Tây Nguyên.
Quảng Trị thì vua Bảo Đại thường săn ở đâu? Khi các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về các điểm đến của tỉnh Quảng Trị, tôi hỏi nhưng chưa nghe ai lý giải về điều thú vị này.
Một đoạn trong hồi ký xuất bản vào năm 1980 của cựu hoàng Bảo Đại khiến tôi lưu ý: “Khu săn của tôi ở Quảng Trị cách kinh đô Huế có hai giờ đi xe máy. Đó là chỗ tôi thích để đến nghỉ ngơi. Ở đấy, tôi có ngàn mẫu tây đồi núi, có rừng cây nằm ở phía nam Cam Lộ. Trong những khu rừng lớn, có vài con suối nước mát quanh co, có đủ thú rừng của nước tôi, voi, cọp, trâu rừng, hươu, nai và lợn lòi”.
Phía nam Cam Lộ cụ thể là ở đâu? Nếu cứ tạm tính là phần phía Nam theo Quốc lộ 9 thì hiện nay vẫn đang có một di tích liên quan đặc biệt đến triều Nguyễn, chính là thành Tân Sở (còn gọi là sơn phòng Tân Sở) thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Di tích này đã được công nhận xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1995. Nhiều tài liệu cho biết năm 1873, khi quân Pháp đánh ra Hà Nội lần thứ nhất, buộc nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Giáp Tuất (năm 1874) thì ngay sau đó nhà Nguyễn đã khẩn trương xây dựng sơn phòng (những khu phòng thủ ở miền núi) tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Nha Kinh lý Sơn phòng Quảng Trị là tiền thân của thành Tân Sở.
Thành Tân Sở diện tích gần 23 ha, có vòng thành ngoài và thành nội, bên trong có mấy nếp nhà dùng làm nơi ở của các quan, có chợ, trại lính, kho đạn, hầm súng, tàu voi, trại giam, giếng nước… Sau nhiều biến cố lịch sử, di tích này từng bị san phẳng, nhưng quy mô ban đầu như vậy là rất lớn. Cung đường “cách kinh đô Huế có hai giờ đi xe máy” mà cựu hoàng mô tả thì cũng hợp lý với khoảng cách trên dưới 90 km từ TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) ra TP. Đồng Hà và lên Cam Lộ để vào tận thành Tân Sở theo Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 hiện nay.
Đại ngàn Chư Yang Sin. Ảnh: Vạn Tiếp |
Nhưng tôi đã thay đổi suy nghĩ khi tiếp xúc các tư liệu nói về sự kiện vua Hàm Nghi lên Tân Sở vào tháng 7/1885. Ngày 6/6/1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre, chính thức mở đường cho thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên toàn cõi Việt Nam. Bấy giờ, trong nội bộ triều đình Huế hình thành hai phe: Chủ chiến và chủ hòa. Đêm 23/5/1885, những nòng cốt của phe chủ chiến đem nghĩa binh tiến công đồn Mang Cá và tòa trú sứ (giống như tòa công sứ sau này) của Pháp. Cuộc tiến công thất bại, buộc quan quân triều Nguyễn phải rời bỏ kinh thành Huế. Vua Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết xa giá ra thành Tân Sở, nhưng không ở lại đó lâu mà ngay lập tức ra Bắc. Theo nhà sử học Phạm Văn Sơn viết trong bài “Di tích quốc gia thành Tân Sở: Làm gì từ phế tích?” trên báo Lao Động điện tử ngày 14/7/2010: “Tôn Thất Thuyết sở dĩ phải bỏ Tân Sở, vì có tới đây ông mới thấy vùng Cam Lộ có nhiều điều bất lợi, bởi không đông dân chúng và ít trù phú, việc tuyển mộ lính tráng sẽ khó khăn, việc tiếp vận quân lương, vũ khí sẽ bế tắc nốt”. Trong Tổng tập tác phẩm của giáo sư Trần Văn Giàu (tập I, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2006, tr.507) viết: “Thành Tân Sở được xây dựng từ 2 năm nay (là nói cho thời điểm 1885 - người viết) ở phía trong thành Cam Lộ, về hướng biên giới Lào - Việt, sau một cái đèo hiểm trở. Nhưng ở đây không phải là một địa bàn để hoạt động vì đất quá nghèo, dân quá ít”.
“Đất quá nghèo, dân quá ít” và “ít trù phú” thì không thể là nơi có lắm thú rừng hoang dã để săn bắn. Thú rừng lớn lại càng không sinh sống ở nơi không đủ thức ăn, trong khi đó, vua Bảo Đại chỉ săn thú lớn như voi, hổ, hươu, nai… Các chi tiết này cộng với việc sau khi vua Hàm Nghi rời thành Tân Sở, nhiều tư liệu cho biết quân Pháp đã đến san bằng sơn phòng ở Tân Sở, khiến tôi nghĩ vài chục năm sau đó cựu hoàng Bảo Đại săn bắn ở thành Tân Sở thì không phải.
Nhưng không phải Tân Sở thì là ở đâu? Tôi đồ rằng phải là từ Tân Sở đi sâu vào nữa theo hướng Tây Nam, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông bây giờ với điểm cao nhất là đỉnh Ba Lê (1.102 m) nhìn rất giống một bản sao của đỉnh Chư Yang Sin ở Đắk Lắk. Vùng này đến bây giờ vẫn giữ được hệ sinh thái đặc biệt phong phú và theo một khảo sát của ngành kiểm lâm vào năm 1999 thì đây nơi còn giữ lại diện tích rừng thường xanh đất thấp lớn nhất ở miền Trung Việt Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông là vùng rừng đầu nguồn của sông Thạch Hãn, với sự hợp lưu của rất nhiều dòng suối quanh năm có nước nên có lẽ chỉ ở đây mới hiện lộ những gì mà cựu hoàng Bảo Đại mô tả.
Chính xác hơn nữa là vùng đất mà đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) hiện nay đang chạy ngang qua Quảng Trị ở phần phía Nam đường Quốc lộ 9. Phần đất này nằm hoàn toàn trên dãy Trường Sơn và có địa hình rất đặc biệt vì cao về phía Đông - Đông Nam, thấp về phía Tây - Tây Bắc. Trên bản đồ hành chính, vùng này thuộc huyện Đakrông - một trong những vùng từng thuộc huyện Cam Lộ.
Khu du lịch sinh thái Hồ Lắk. Ảnh: Duy Tiến |
Nếu đúng là Đakrông thì thật thú vị. Vì vùng đất này có rất nhiều nét tương đồng với Tây Nguyên. Từ chuyện thổ nhưỡng rất hợp với các loại cây như tiêu, cà phê, cao su cho đến tên gọi của các làng xã. Này là thị trấn Krông Klang rồi các xã Mò Ó, Đa Krông, Tà Long, Tà Rụt, A Vao, A Ngo, A Bung, Ba Nang hay những thôn Taliêng, Pa ra Từng, Chân Rò tách...
Ở vùng đất Tây Nguyên, cựu hoàng Bảo Đại đi săn chủ yếu ở Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo lời của những cận thần, cận vệ hoặc lái xe của ông sau này kể lại thì nơi đi săn chính vẫn là khu vực thuộc huyện Lắk ngày nay. Nếu có đi săn ở nơi khác thì điểm cuối cùng tụ lại vẫn là hồ Lắk.
Nếu thảm xanh Đakrông xứng như một báu vật của vùng đất gió Lào là Trung Trung bộ, thì vùng đất huyện Lắk sẽ là báu vật của Tây Nguyên. Lắk được bao bọc bởi hai sông lớn là Krông Nô và Krông Ana, đồi núi bao quanh những cánh đồng rộng lớn, Vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc hệ sinh thái núi cao, giàu tài nguyên thiên nhiên và có tính đa dạng sinh học cao. Bao nhiêu chỗ ở Tây Nguyên hội tụ được “thiên thời địa lợi” như ở Lắk?
Núi cao, sông lớn và đặc biệt có hồ Lắk - hồ tự nhiên lớn nhất các tỉnh Tây nguyên, là những ân tứ đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho huyện Lắk để phát triển kinh tế nông nghiệp) và du lịch.
Lương Duy Cường
Ý kiến bạn đọc