Multimedia Đọc Báo in

Người thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị

13:49, 29/08/2021

Hưởng ứng chỉ thị của Đảng và Mặt trận Việt Minh về khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước khi thời cơ đến, trong những ngày tháng 8-1945, Việt Minh Thừa Thiên Huế, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng triển khai và phân công nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành chính quyền.

Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng là tìm cách liên hệ, kết nối và vận động Hoàng đế Bảo Đại chấp nhận thoái vị, nhường quyền lãnh đạo cho chính quyền Việt Minh.

Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế đã cử ông Tôn Quang Phiệt làm nhiệm vụ liên hệ với nhà vua thông qua Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe, một người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các nhà cách mạng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Đăng Lưu, Tôn Quang Phiệt.

Cụ Phạm Khắc Hòe (người đi sau Bác Hồ) trong một chuyến đi Pháp. Ảnh tư liệu

Phạm Khắc Hòe sinh ra vào năm đầu tiên của thế kỷ XX, lớn lên ở vùng quê Đức Thọ - Hà Tĩnh, trưởng thành trong một gia đình khoa bảng. Ông đã từng học chữ Nho, rồi sau đó chuyển sang học chữ Pháp và Quốc ngữ, đỗ bằng Tiểu học Pháp – Việt (Primaire  – 1918), rồi tốt nghiệp Cao đẳng Pháp luật và Hành chính Hà Nội (1925). Sau đó, ông được phân công làm Tham tán Tòa sứ tại Huế, rồi Quy Nhơn. Đến năm 1933 thì chuyển sang ngạch quan lại Nam triều ở Đà Lạt. Mãi đến năm 1940 mới chuyển về Huế. Đến năm 1944, ông được vua Bảo Đại tiến cử đảm nhận chức vụ Đổng lý Ngự tiền văn phòng (quan Thượng thư) tại triều đình Huế.

Trong những ngày cuối tháng 8-1945, trước sức ép của hàng vạn đồng bào ở các huyện, phủ của Thừa Thiên đang nổi dậy kéo về thành phố Huế bao vây các công sở, trại lính, cùng với bản tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên Huế gửi cho Bảo Đại buộc nhà vua phải nhanh chóng lựa chọn con đường thoái vị và nhường quyền lãnh đạo cho chính quyền Việt Minh. Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe trấn an, thuyết phục để cuối cùng buộc nhà vua phải chấp nhận rời bỏ ngai vàng. Từ đó, Bảo Đại đã đồng ý và giao cho Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe thay mặt nhà vua tiếp xúc, trao đổi và phúc đáp các yêu cầu của Việt Minh, đồng thời tiến hành soạn thảo Chiếu thoái vị để thông báo với Việt Minh cùng toàn dân về sự chấm dứt vĩnh viễn của chế độ quân chủ nhà Nguyễn.                                

Vua Bảo Đại, hoàng gia và các đại thần chụp ảnh trước ngày 23-8-1945. Ảnh tư liệu

Khi nhận nhiệm vụ soạn thảo các văn bản lịch sử, cụ Phạm Khắc Hòe đã nhấn mạnh hai điểm tiến bộ, mang tính nhất quán và cần thiết lúc này: Thứ nhất, tuyên bố nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh và mời Việt Minh về Huế để thành lập nội các; thứ hai, khẳng định vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân (Dụ 105). Trong Chiếu thoái vị của nhà vua, cụ Phạm Khắc Hòe đặc biệt chú ý đề cao nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc. Bằng lời lẽ súc tích, cô đọng, cụ Phạm Khắc Hòe đã nói thay cho Hoàng đế Bảo Đại một tư tưởng lớn và dứt khoát rằng: “Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Vì nền độc lập của Việt Nam. Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc. Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết... Trẫm để hạnh phúc nhân dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm… Trẫm ưng làm dân của một nước độc lập hơn làm vua của một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hy sinh như Trẫm”

Chiếu thoái vị được vua Bảo Đại tuyên đọc trước toàn thể quốc dân, đồng bào vào chiều ngày 30-8-1945 tại lầu Ngọ Môn trong Lễ tuyên bố thoái vị và bàn giao quyền lực cho đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.