“Kể chuyện Dam San” cho thiếu nhi
(Nhân đọc “Kể chuyện Dam San”, NXB Văn hóa dân tộc - 2021)
Nhà thơ - thầy giáo Lê Thành Văn (ở thị xã Buôn Hồ) là cái tên quen thuộc trong viết lý luận phê bình văn học, sáng tác thơ. Trong đó, với viết thơ cho thiếu nhi, anh chỉ mới “thử bút” độ 5 năm trở lại đây nhưng nhiều người làm thơ trong, ngoài tỉnh đã phải công nhận: Lê Thành Văn rất “có duyên” ở mảng thơ này! Tập thơ “Kể chuyện Dam San” là một phần trong thành quả sáng tạo của anh ở mảng thơ thiếu nhi.
“Kể chuyện Dam San” gồm 39 bài thơ, chủ yếu dành cho lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, trong đó hơn một nửa số bài viết về trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi vùng Tây Nguyên. Đọc tập thơ này chúng ta dễ dàng nhận thấy: Tác giả đã viết bằng con mắt nhìn, bằng nhận thức và cảm xúc của các em và bằng tất cả tấm lòng yêu thương các em, nên tập thơ vừa có tác dụng giáo dục đạo đức, nhân cách, tri thức, thẩm mỹ cao, vừa có tính nghệ thuật, rất cuốn hút bạn đọc nhỏ tuổi và các bậc phụ huynh.
Ngay bài mở đầu tập thơ đã cho ta thấy rõ ý định giáo dục của tác giả về lòng dũng cảm, thủy chung, quyết tâm bảo vệ hạnh phúc, tình yêu, niềm tự hào về quê hương Tây Nguyên - nơi có thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, con người giàu lòng yêu thương, bất khuất, can trường. Bằng thể thơ năm chữ, từng câu ngắn, gọn, lối kể giản dị, không dùng từ ngữ nhiều ẩn dụ, nhiều nghĩa bóng, các em nhỏ đọc là hiểu ngay, nhớ ngay hình tượng Dam San: "Dáng ngồi cuộn như hổ/ Tiếng nói ngàn chiêng vang/...Khiên múa vút đồi cao/ Dam San ào như gió/ Mỗi lần chàng xốc tới/ Vượt một đồi cỏ tranh"... Có thể nhiều em (kể cả nhiều người lớn) chưa đọc sử thi Dam San (gồm 2.077 câu kể), chưa hiểu nội dung của sử thi này, nhưng đọc “Kể chuyện Dam San” của Lê Thành Văn, chỉ qua 44 dòng thơ, mỗi dòng năm chữ, đã có thể hiểu được “cái lõi” của sử thi và những nhân vật chính của sử thi nổi tiếng này.
Cũng là viết về học chữ o, ô, ơ, ta thường quen với câu: "o tròn như quả trứng gà/ ô thì đội mũ, ơ thì có râu". Nhưng với Lê Thành Văn, anh không dừng lại ở đó mà còn giúp các em mở rộng liên tưởng, trí tưởng tượng, so sánh với những hình ảnh gần gũi, thân thiết trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời cũng nhắc nhở các em thực hiện những điều có ích.
Ví dụ với chữ o, không chỉ “như trứng gà mẹ bóc”, mà “Bên trong có nắng vàng/ Bên ngoài trắng mây bọc”; với chữ ô, không chỉ “thêm cái mũ” mà còn gắn với sự nhắc nhở bé đội mũ bảo hiểm để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông: “Như mỗi lần đi đâu/ Mẹ lấy mũ bảo hiểm/ Bé đội ngay lên đầu”. Với bài “Ông Núi” ta thấy được sự ngộ nghĩnh trong cách nhìn của em bé người dân tộc thiểu số về núi, rừng: “To cao nhất buôn mình/ Lớn lên từ lòng đất/ Ông Núi vươn trời xanh/ Gọi cây về chim hót/...Em theo mí lên rẫy/ Tìm đến ông Núi chơi/ Bóng cây che mát rượi/ Khỏi nắng nôi mặt trời"...
Đi liền với cái nhìn ngộ nghĩnh là lòng biết ơn núi rừng: "Buôn làng ơn ông Núi/ Cho bao nhiêu thứ quà/ Măng le cùng quả ngọt/ Chim hót và muôn hoa.../ Em rất yêu ông Núi/ Như tình yêu ông bà". Chỉ trong một bài thơ ngắn, nhưng tác giả đã khéo léo lồng ghép được nhiều nội dung giáo dục cho các bạn đọc nhỏ tuổi: Đó là tình yêu thiên nhiên, yêu rừng núi, sông suối quê hương, lòng biết ơn với thiên nhiên, với ông bà, cha mẹ...
39 bài thơ trong tập “Kể chuyện Dam San” là 39 nội dung, vấn đề khác nhau, phản ánh về thiên nhiên, con người, các sự vật, hiện tượng, các sinh hoạt văn hóa, học tập, vui chơi của thiếu nhi. Điều thú vị của tập thơ là tác giả không dạy dỗ, giáo dục các em bằng những luân lý khô khan, bằng lối áp đặt thô thiển của người lớn mà bằng những non tơ trong cảm xúc, bằng con mắt nhìn trong veo, ngây thơ, ngộ nghĩnh của chính các em đã được tác giả hóa thân vào.
Sau cảm xúc, ngôn từ, vận dụng các thủ pháp nghệ thuật, thì việc “hóa thân” được vào/ (là) các em chính là vấn đề khó nhất đối với bất cứ tác giả nào khi viết thơ cho thiếu nhi. Đây cũng chính là đòi hỏi cao của nghệ thuật làm thơ thiếu nhi. Lê Thành Văn đã vượt qua được “cửa ải” này để có nhiều câu thơ, bài thơ hay, có tính phát hiện, bất ngờ. Ví dụ: "Số một trước số không/ Thành niềm vui mười điểm/ Nhưng nếu tách rời nhau/ Buồn lấy gì đong đếm" (Y Hoa về thăm bà).
Cũng viết về má lúm đồng tiền, nhưng thơ Lê Thành Văn có nét riêng thật dễ thương: "Cười hoài cười mãi/ Đồng tiền chẳng rơi/ Như ánh sao trời/ Sáng ngời gương mặt". Cũng viết về việc đưa quà đến lớp, bạn bè túm tụm ăn chung - một “cái tật dễ thương” của tuổi học trò - nhưng thật thú vị khi đọc bài “Tháng ba ổi chín” của Lê Thành Văn: "Bé xin một quả/ Để mang đến trường/ Vừa chạm cửa lớp/ Bạn đòi mở xem/ Bé mời các bạn/ Quả ổi tháng ba/ Trống vào lớp học/ Hương còn lan xa"... Cái mùi “hương lan xa” ấy thật gợi, gợi về sự sẻ chia, về tình bạn, về tình yêu quê kiểng, về những kỷ niệm bền lâu của tuổi hồng...
Viết về quả dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng” đã có bao người viết, nhưng cái hay bất ngờ trong thơ Lê Thành Văn là “Mẹ vừa mới xẻ làm đôi/ Ơ kìa, cả một mặt trời ở trong”.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc