Multimedia Đọc Báo in

Đưa nghệ thuật hội họa đến gần công chúng

08:27, 10/02/2022

Không chỉ khoác “tấm áo mới” lên những bức tường cũ kĩ, đầy rêu phong với chi chít tờ rơi quảng cáo, những công trình bích họa ở TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện thời gian gần đây như là cầu nối đưa nghệ thuật hội họa đến đông đảo công chúng hơn.

Từ bích họa của buôn làng

Nằm trong đề tài khoa học “Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn Tây Nguyên thực hiện, “Tiểu dự án bích họa buôn Tây Nguyên” tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã góp phần làm đẹp hơn cho buôn làng. Đây cũng là buôn đầu tiên ở Đắk Lắk có bích họa, điều này đã làm cho bà con trong buôn phấn khởi và tự hào.

Một đoạn đường bích họa tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Bà H’Yam Bkrông, Trưởng buôn Tơng Jú cho biết: “Từ khi có những bức tranh tường, buôn Tơng Jú trở nên nhộn nhịp hơn khi có nhiều du khách tới thăm. Người già, trẻ nhỏ đều thích thú vì được ngắm nhìn những bức tranh nổi tiếng ngay trên mảnh đất của mình”. Tận dụng những tường rào của các gia đình trong buôn, những họa sĩ trẻ của buôn làng như: Y Buih Niê, Y Luê Adrơng đã làm cho buôn mình trở nên xinh đẹp hơn.

 

Bích họa đã thực sự tạo nên mối giao lưu giữa họa sĩ và công chúng thưởng ngoạn, xóa đi những khoảng cách, nhất là đối với những công chúng nghèo. Có thể chiều sâu nghệ thuật của nó chưa bằng những bức tranh trên giấy, trên lụa, trên vải nhưng bích họa vẫn đạt được mục đích tối hậu là đem hội họa đến gần với đông đảo công chúng bình dân”.

Họa sĩ Trần Thanh Long

Để bích họa thật sự đi vào đời sống của bà con trong buôn, việc lựa chọn tác phẩm để vẽ cũng là điều quan trọng. Họa sĩ Y Buih Niê chia sẻ: “Hình ảnh được vẽ trên tường chính là những hình ảnh về con người, vùng đất, phong cảnh của Tây Nguyên gần gũi nhất với đời sống của bà con, đã được cân nhắc lựa chọn. Khi vẽ chúng tôi cố gắng thể hiện đầy đủ sắc thái, chú ý đến màu sắc và bố cục để bức tranh đẹp nhất, giúp mọi người cảm nhận được hết cái đẹp của nghệ thuật hội họa”.

Đến bích họa “Buôn Ma Thuột xưa”

Đặc sắc, ấn tượng và có tính nghệ thuật cao là những gì mà mọi người cảm nhận được khi thưởng lãm công trình bích họa với chủ đề “Buôn Ma Thuột xưa” trên đường Phan Đình Giót do họa sĩ Trần Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) thiết kế. Ở giữa một không gian rộng lớn từ hình tượng của chàng Dăm Săn cường tráng, oai phong bên cạnh là nàng H’Nhí, H’Bhi xinh đẹp đến cảnh phóng lao săn bắt, kết tình huynh đệ, phong tục hút tẩu của người Êđê xưa… tưởng chừng chỉ có trong sách vở, những buổi triển lãm tranh ảnh thì nay lại được tái hiện gần gũi nhất.

Công trình bích họa đường phố với chủ đề "Buôn Ma Thuột" xưa.

Họa sĩ Trần Thanh Long chia sẻ: “Đắk Lắk một xứ sở chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa độc đáo của người Êđê và một sử thi Dăm Săn vô cùng hay. Đó là vốn quý không chỉ của riêng đồng bào Êđê mà còn là của văn hóa dân tộc mà nhiều người vẫn chỉ được nghe qua đài, báo, sách vở. Chính vì điều đó tôi muốn bích họa “Buôn Ma Thuột xưa” vừa phải có yếu tố nghệ thuật, vừa truyền tải được hết vẻ đẹp con người, vùng đất Tây Nguyên đến mọi người một cách chân thật nhất thông qua hội họa”.

Khi bức tranh đầu tiên mới hoàn thiện, chứng kiến cảnh nhiều bạn trẻ và công chúng háo hức đón nhận, những người “múa cọ” trên tường như họa sĩ Tạ Thanh Bình, họa sĩ Huỳnh Thanh Hiếu đều cảm thấy rất vui. Anh Tạ Thanh Bình tâm sự, chính sự đón nhận của mọi người đã kích thích tinh thần của anh em họa sĩ quên đi mệt mỏi, chỉ muốn vẽ thật nhanh, thật đẹp để mọi người cùng thưởng thức và có những bức ảnh đẹp làm kỷ niệm.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.