Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa Mông trên vùng quê mới

09:35, 06/02/2022

Với 49 dân tộc cùng chung sống yêu thương, hòa thuận, Đắk Lắk vùng đất đa dạng, phong phú về văn hóa tộc người. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, đồng bào Mông di cư vào huyện Krông Bông lập nghiệp - nơi quê hương mới vẫn nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Khi nông dân lên sân khấu

Cuộc sống của người Mông ở huyện Krông Bông gắn liền với dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội, các môn thể thao dân gian, đặc biệt là lễ hội chọi bò. Nhiều làn điệu dân ca hát ru, hát đối, hát đố, hát giải, dân vũ... phản ánh cuộc sống lao động, chinh phục tự nhiên và mong ước về cuộc sống hạnh phúc, no đủ trên quê hương mới được tổ chức vào mùa Xuân.

Những sắc thái văn hóa độc đáo, giàu bản sắc ấy đã tỏa sáng tại Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc lần thứ III do tỉnh Lai Châu đăng cai trước khi khép lại năm 2021. Một cảm xúc rất khó tả khi Ngày hội diễn ra trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Các nghệ nhân người Mông của tỉnh Đắk Lắk (chủ yếu là ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã vượt hàng nghìn kilômét ra núi rừng Tây Bắc “trình làng” những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mà họ vẫn giữ gìn, bảo tồn trong sinh hoạt hằng ngày.

Nghệ nhân Mông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) biểu diễn múa gậy sinh tiền.

Là người dẫn nhiều đoàn tham dự các sự kiện văn hóa trong toàn quốc, nhưng lần này Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng đoàn Đặng Gia Duẩn rất đỗi tự hào vì có những nghệ nhân Mông không nói sõi tiếng Kinh nhưng tiết mục khèn môi, sáo của họ đã làm ngỡ ngàng Hội đồng nghệ thuật, nhận được sự tán thưởng của khán giả, đoạt nhiều giải cao tại ngày hội, trong khi Đoàn Đắk Lắk chỉ có 19 người (13 nghệ nhân), còn đoàn các tỉnh phía Bắc, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên Mông rất đông.

Đây là một sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, nhưng quan trọng nhất, Đắk Lắk là tỉnh duy nhất mang đến Ngày hội Văn hóa Mông tất cả những gì mộc mạc, chân thành, nguyên bản trong đời sống hiện nay. Những nét đẹp văn hóa truyền thống này được bà con giữ gìn trong sinh hoạt hằng ngày, vào dịp lễ hội, không phải sân khấu hóa.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thề (SN 1986) và vợ là nghệ nhân Vương Thị Nhung (SN 1988), ở thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) vinh dự lần thứ hai tham gia Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc. Trước đó, năm 2016, vợ chồng nghệ nhân Thề tham gia Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc lần thứ II tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Đến với Ngày hội năm nay, nghệ nhân Thề tham gia thi đấu môn: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co; thi giã bánh giầy; thi trang phục truyền thống, đặc biệt là khoe tài món thắng cố và mèn mén. Còn nghệ nhân Nhung tham gia thi trang phục truyền thống, hát dân ca, múa gậy sinh tiền, thi giã bánh giầy và thi kéo co. Ít ai biết rằng, vợ chồng nghệ nhân đa tài này là anh nông dân chăn nuôi, trồng trọt và cô thợ may ở thôn Ea Uôl.

Tiếp tục khơi dậy và lan tỏa văn hóa Mông

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đặng Gia Duẩn, với những điều hết sức đặc biệt trên, việc đầu tiên cần làm ngay sau Ngày hội Văn hóa Mông toàn quốc lần thứ III, ngành VH-TT&DL tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm để duy trì, phát triển nét đẹp văn hóa Mông trên quê hương Đắk Lắk. Cụ thể là ở huyện Ea Súp, huyện M’Drắk, đặc biệt là xã Cư Pui (huyện Krông Bông) - nơi có đông người Mông sinh sống.

Nghệ nhân Mông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) múa khèn.

Thêm một điều rất thú vị, hiện nay ở xã Cư Pui còn duy trì Lễ hội chọi bò đầu năm. Điều này làm bất ngờ các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ở các tỉnh phía Bắc không còn Lễ hội chọi bò, mà chỉ có Lễ hội chọi trâu. Vì vậy, việc tiếp theo ngành VH-TT&DL tỉnh sẽ làm là xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội chọi bò ở huyện Krông Bông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

“Dịch bệnh COVID-19 tại huyện được kiểm soát, Phòng VH-TT huyện phối hợp với chính quyền xã Cư Pui tổ chức Ngày hội Văn hóa Mông chào Xuân Nhâm Dần tại thôn Ea Lang để bà con vui Xuân, đón Tết, qua đó gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình”.

 
Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Krông Bông Châu Phan

Người Mông có nhiều nhóm: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Xanh, Mông Mán, Na Mẻo. Sự phân biệt này dựa trên sự khác nhau về trang phục và ngôn ngữ. Tên gọi của người Mông cũng nói lên văn hóa của họ rất rõ. Tất cả những nét văn hóa đặc sắc ấy sẽ phát triển để hướng tới sự quảng bá về du lịch trong tất cả sự kiện, lễ hội, đặc biệt năm 2023 sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Cùng với các dân tộc thiểu số khác sinh sống trên cao nguyên Đắk Lắk, cộng đồng người Mông ở huyện Krông Bông góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng.

Thiếu nữ Mông ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) rực rỡ trong trang phục truyền thống.

Trong năm 2022, ngành văn hóa sẽ tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025, để những di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, trong đó có văn hóa phi vật thể của người Mông phát triển. Đồng bào Mông ở huyện Krông Bông đi làm rẫy, đi chợ vẫn mặc trang phục truyền thống; họ rất nhiệt tình, hào hứng tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do địa phương tổ chức. Tết đến là dịp để các chàng trai, cô gái Mông xúng xính váy áo truyền thống mới, khoe tài của mình như những cánh hoa ban rừng bừng nở, góp phần làm cho mùa Xuân rực rỡ nơi thôn bản. 

Người Mông sinh sống ở Đắk Lắk chiếm khoảng 3% dân số, với khoảng 40.000 người, con số không hề ít để ngành VH-TT&DL, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm gìn giữ, phát huy văn hóa trong thời gian đến.

 

Hữu Nguyên


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Ngược nguồn
09:30, 06/02/2022
Sắc núi màu rừng
06:49, 04/02/2022
Gió đi từ độ
06:48, 04/02/2022
Bên cội mai vàng
12:48, 02/02/2022
Thăm thẳm đại ngàn
10:16, 02/02/2022
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.