Mùa xuân và quê hương, đất nước qua tùy bút Chế Lan Viên
Chế Lan Viên, một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam, người được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và cũng là cây bút có những trang viết sâu sắc về mùa xuân, quê hương.
Trong bài tùy bút “Mùa xuân làm hiệu cho ta” cách đây gần bốn mươi năm, nhà thơ mở đầu bằng một giọng văn mềm mại, tinh tế giàu chất thơ mà không kém phần trí tuệ: “Khắp nơi trên các miền Tổ quốc, mùa xuân lại về, cái Tết lại về. Chúng ta vùi đầu trong trăm công nghìn việc, có lẽ khi nó đến sát kề thì ta mới biết, nhưng cây cỏ đất trời chờ đợi nó từ lâu. Những hàng cây trước lăng Bác đã từ lâu trút hết lá năm qua, lặng im chờ xuân đến. Lặng im trong các nhánh, từ lâu nhựa đã chuyển dần thành hoa cho kịp dâng Người”.
Anh khai thác |
Vẫn là cách viết, cách nghĩ không hề dễ dãi. Nghĩ từ bề rộng, nghĩ tới chiều sâu, lật đi lật lại vấn đề, và thể hiện, lập ngôn cũng thường gây ấn tượng khác người, nhiều chỗ độc đáo, nếu không chịu khó đào sâu suy nghĩ, chiêm nghiệm, không có cách viết vừa uyên bác, thông minh, vừa tài hoa, thi vị thì không thể tạo nên phong cách đặc sắc Chế Lan Viên. Đoạn văn sau cũng khá tiêu biểu cho lối viết của ông: “Bây giờ như một sức mạnh không gì ngăn cản nổi, mùa xuân ùa vào mọi ngõ, mọi nhà, mọi tấm lòng khép hay là mở, chờ đợi nó hoặc không chờ đợi nó. Ai mà cưỡng lại mùa xuân? Dù chỉ là một cành hoa không tên trên đỉnh cao Lũng Cú ở điểm cực bắc, hay là một màu cỏ dại ở mũi Cà Mau chót cùng đều đầy tín hiệu mùa xuân. Dù ở ngoài các đảo xa, ở những Trường Sa, Hoàng Sa sóng bể mây trời hay ở các vùng biên giới Việt - Miên đất Tổ quốc cày lên vì đạn pháo lũ côn đồ, ở mọi nơi mùa xuân đều không vắng bóng. Vô hình mà có mặt. Vì xuân ư, Tết ư? Đối với chúng ta chả có gì khác ngoài cái cảm xúc lớn lao này: Sự thống nhất, sự đồng cảm thiêng liêng của toàn dân tộc trong ý niệm đầu năm, cả Việt Nam là một...”.
Rất thơ, rất trữ tình, rất bay bổng mà lại rất chính trị. Hôm nay đọc lại vẫn thấy những dòng tùy bút mang hơi nóng thời sự.
Có những điều không mới, nhiều người đã nghĩ, nhiều người cảm nhận được, nhưng qua ngòi bút nhà thơ ta lại thấy ánh lên một niềm xuân mới, như trong bài “Ý thức trước mùa hoa”: “Yêu say mê cái đẹp, nhưng khi cái đẹp quá đẹp, quá nhiều, hình như lòng tôi lại do dự, chần chừ! Mình có quên mình đi chăng, quên công việc trên mỗi chúng ta còn rất nặng? Hoa quá đẹp, quá nhiều phảng phất cho ta cái cảm giác một thứ hạnh phúc gì đến hơi quá sớm với mình? Nhưng rồi tôi đã yên lòng! Sao lại còn quá sớm, hạnh phúc đó con đường ta đi đến nó đã 30 năm. Máu và hoa. Con đường dẫn đến hoa lúc này phải đi qua bao xương máu chứ phải bỗng dưng mà ta được hưởng!”.
Nhiều người đã đặt chân đến Yên Tử và đã dành không ít giấy mực để viết về địa danh này. Vậy mà nhà thơ lớn vẫn có cách nói riêng về một vấn đề không hoàn toàn mới thật hùng biện và thuyết phục khi tác giả “Đặt tên cho một mùa xuân”: “... Tại nơi đây, tại rừng trúc, rừng tùng này, lần đầu tiên đã xuất hiện phái Phật giáo Trúc Lâm. Một phái Phật giáo không chịu ảnh hưởng Trung Quốc, không chịu ảnh hưởng Ấn Độ, một phái Phật giáo hoàn toàn Việt Nam, “hoàn toàn dân tộc” như người ta nói. Lần đầu tiên Việt Nam có những vị Phật, không phải Phật Ấn, không phải Phật Tàu, mà là Phật ta - Phật Việt Nam. Phải ở một thế kỷ dân tộc lập được nhiều chiến công hiển hách, người ta mới dám nghĩ ra điều ấy, làm được điều ấy. Và chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ cho ta đến viếng các ngôi chùa, đỉnh tháp ở đây, đến cái Giê-ru-da-lem Yên Tử”.
Đối với quê hương ruột thịt của mình, nhà thơ từng có tác phẩm “Kết nạp Đảng trên quê Mẹ” với những câu thơ được nhiều người nhắc nhớ:
Gió Lào ơi, người đừng thổi nữa
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người
Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười
Chỉ có gió mù trời chen tiếng súng.
Khi ra nước ngoài dự đại hội các nhà văn quốc tế, Chế Lan Viên vẫn gan ruột với quê nhà. Với tư cách là sứ giả văn hóa, ông đã đem đến cho bạn bè quốc tế bài ca con gà Kẻ Diên nổi tiếng của đất Hải Lăng, với hai câu kết bất hủ:
Đừng than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
Ông kể với bạn bè quốc tế chuyện trạng Vĩnh Hoàng -Vĩnh Linh vẫn nở rộ trong những ngày khói lửa triền miên, đạn bom trút xuống như mưa, sự sống chết chỉ còn trong gang tấc. Ông ví con gà Kẻ Diên với loài chim phượng hoàng lửa cao quý được tôn thờ ở nhiều nước phương Tây vì tượng trưng cho tinh thần bất diệt và sức sống vĩnh hằng.
Cũng trong bài tùy bút “Ý thức trước mùa hoa” khi luận bàn về hoa, bỗng dưng tác giả có những liên tưởng khá bất ngờ về một người đồng hương - Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Bánh mì và hoa hồng”. Tôi nhớ một khẩu hiệu nổi tiếng. Tôi lại nhớ lời của đồng chí Lê Duẩn: “...Người ta cần xem hát, xem hoa. Và xem hát, xem hoa làm cho tình cảm con người trong sáng hơn. Có thể một ngày nào đó người Việt Nam ta không còn ghét nhau nữa được không?”. Đồng chí tiếp thêm: “Chúng ta làm thế nào để ngày mai con người Việt Nam trở thành những con người mới có văn hóa, không chỉ là những người chiến đấu kiên cường nhất, mà còn là những người có văn hóa đẹp nhất. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là thỏa mãn mọi nhu cầu tinh thần và vật chất. Đó là mục đích của chủ nghĩa cộng sản. “Những lời ấy làm tôi suy nghĩ ...”.
Hơn bốn mươi năm vắng mặt nhà thơ lớn Chế Lan Viên. Song nhiều điều ông nghĩ và viết vẫn mang tính thời sự, vẫn trở thành người bạn đồng hành tư tưởng với nhiều người trong cuộc sống hôm nay.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc