Multimedia Đọc Báo in

8 trụ huyền thoại tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

06:45, 03/04/2022

Khu Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) là công trình văn hóa cấp quốc gia có quy mô lớn nhất cả nước.

Bên cạnh điểm nhấn của công trình là khối tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng làm bằng đá hoa cương với diện tích 16.500 m2 thì 8 trụ huyền thoại tại quảng trường tiền môn cũng là một trong những điểm nhấn kiến trúc nổi bật làm tôn vinh thêm giá trị của công trình.

 8 trụ huyền thoại này được chạm khắc bằng đá hoa cương, có chiều cao 11,2 m, đường kính 1,85 m, bố cục 2 bên, mỗi bên 4 trụ trước khi vào đường dẫn chính. Trong vai trò của kiến trúc thì 8 trụ huyền thoại được xem là “cổng ảo” trước khi vào khuôn viên tượng đài. Ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình của 8 trụ huyền thoại là sự kết nối nhịp nhàng với ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình của khối tượng đài chính về Mẹ.

Trụ thứ nhất với chủ đề “Huyền thoại Mẹ Bắc bộ” khắc hoạ hình tượng Mẹ ngồi vá áo chiến sĩ trong những năm kháng chiến chống Pháp, được lấy cảm hứng từ bài hát: “Tấm áo chiến sĩ Mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Gắn liền với hình ảnh Mẹ Bắc bộ là những nét văn hóa đặt trưng của Bắc bộ, với những nét điêu khắc đình làng từ xa xưa, là hình khối chạm khắc đầu người mình chim trong những sự tích cổ của văn hóa đình làng Việt có từ thời Lý - Trần. Gắn liền với đời sống của các mẹ vùng quê Bắc bộ còn có hình ảnh cối xay bột để nuôi con bằng những bát cháo đậm tình quê hương...

Các trụ huyền thoại tại Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trụ thứ hai với chủ đề “Huyền thoại về lời ru của Mẹ” khắc họa hình ảnh cây đàn tỳ bà cùng những cánh cò, gợi lên khúc hát ru của mẹ theo cung bậc ngũ âm của cây đàn cổ. Những âm thanh và hình ảnh đó đã đi vào tâm hồn mỗi người Việt Nam từ thuở thơ ấu. Nối kết mặt sau trụ là những chạm khắc truyền thống như chú Tễu, những cây sáo cổ, chim phượng...

Trụ thứ ba với chủ đề “Huyền thoại về Mẹ Trung bộ” khắc họa hình ảnh những người mẹ miền Trung khắc khổ nhưng đầy nghị lực, can trường. Hình ảnh Mẹ với cây đèn dầu, báo hiệu cho các con khi địch vào làng, ngọn đèn cũng gợi lên sự vất vả của mẹ luôn thức khuya, dậy sớm lo cho các con, lo nuôi quân đánh giặc. Mặt sau trụ là hình ảnh trầu cau với bình vôi ăn trầu gắn liền với cuộc sống giản dị, mộc mạc của người mẹ. Tác giả còn khắc họa thêm những nét đẹp của văn hóa Chămpa cùng hò điệu Quảng trong đời sống văn hóa của con người, vùng đất miền Trung từ nhiều thế hệ trước đến nay...

 Trụ thứ tư cũng có chủ đề “Huyền thoại về lời ru của Mẹ”. Lời ru của mẹ ở trụ này được khắc họa thêm với những ngữ nghĩa rộng hơn, thể hiện sự sinh động phong phú hơn. Trong lời ru của mẹ có chuông chùa tịnh lạc thanh tao bên vành nôi thơ bé. Lời ru của mẹ còn có cả những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao cổ, tiếng sáo của mục đồng, những câu chuyện về lịch sử đánh giặc, giữ nước của dân tộc ta và những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt. Lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng chí anh hùng cho chúng ta từ thuở còn thơ ấu...

Trụ thứ năm với chủ đề “Huyền thoại về suối nguồn” khắc họa hình ảnh bầu vú mẹ nuôi con lớn khôn bằng dòng sữa tinh khiết, mộc mạc như sen làng. Thể hiện nét đẹp của tình mẫu tử đã có từ ngàn xưa. Hình ảnh chạm khắc cổng làng gợi lên nét thân thương của vùng quê Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Mặt sau trụ là hình ảnh mẹ tựa như Phật Bà Quan âm với cuốn thư như muốn nói: Mẹ không chỉ nuôi chúng ta bằng dòng sữa trong trắng, tinh khiết mà còn nuôi dưỡng chúng ta bằng những điều hay, lẽ phải có trong kinh Phật để gieo vào lòng mỗi người chúng ta những điều thánh thiện, những giá trị nhân văn cao cả, hoàn thiện nên nhân cách một con người...

Khu Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trụ thứ sáu với chủ đề “Huyền thoại những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn” khắc họa hình ảnh cô gái thanh niên xung phong trẻ trung, trong trắng, đẹp và tràn đầy sức sống như những đóa lan rừng Trường Sơn không thể bị bom đạn hủy duyệt. Gương mặt cô gái thanh niên xung phong thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Mặt sau trụ khắc họa những vật dụng gắn liền với đời sống của các cô gái thanh niên xung phong, từ cái xẻng xúc đất, bình đông nước của người lính Trường Sơn đến cái quạt giấy, gương lược. Hình ảnh những nàng tiên cũng được thể hiện cách điệu như tượng trưng cho sự hóa thân của các cô gái thanh niên xung phong khi các cô gửi lại thân xác và linh hồn của mình trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt năm nào.

Trụ thứ bảy với chủ đề “Huyền thoại Mẹ Tây Nguyên” khắc họa hình ảnh người mẹ Tây Nguyên với gương mặt khắc khổ, đậm chất của đồng bào các dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, H’re, Ba Na, Êđê, J’rai của vùng đất đỏ Tây Nguyên đầy nắng và gió, dù cái bụng không đủ no vẫn dành từng trái bắp, hạt gạo nuôi quân. Gương mặt người chiến sĩ được khắc họa trong mảng không gian phía dưới đang ngước lên mẹ, thể hiện sự trân trọng với tấm lòng yêu thương mẹ dành cho người lính chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mặt sau khắc họa những nét văn hóa đặc thù của vùng đất Tây Nguyên. Đó là những điêu khắc tượng nhà mồ Tây Nguyên được tác giả chắt lọc những nét đẹp tinh túy, nâng lên thành ngôn ngữ hiện đại, hòa nhịp với cấu trúc toàn khối trụ theo phong cách hiện đại. Những lễ hội đâm trâu, thổi tù và, uống rượu cần mừng ngày mùa là nhịp sống của nhiều thế hệ của đồng bào Tây Nguyên gắn liền với đời sống của các bà mẹ Tây Nguyên...

Trụ thứ tám với chủ đề “Huyền thoại Mẹ Nam bộ” khắc họa hình ảnh mẹ Nam bộ đầy nghị lực, can trường, đầu đội khăn rằn đang ôm lá cờ Tổ quốc được gìn giữ, cất giấu trong những tháng năm cam go, ác liệt của chiến tranh với nguyện ước mong có ngày đất nước được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Mặt sau khắc họa những nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long với đờn ca tài tử nổi tiếng của vùng đất Nam bộ. Những cánh cò bên những đầm sen. Hình ảnh những bông sen thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt của mẹ đối với Tổ quốc...

Những hình ảnh chạm khắc trên 8 trụ huyền thoại có tác dụng định tâm và dẫn nhập tình cảm của mỗi du khách đối với người mẹ của chính mình, đối với người mẹ Tổ quốc trước khi bắt đầu hành trình tham quan tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.