Multimedia Đọc Báo in

Đêm nhạc tri ân hành trình 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường gắn bó với Tây Nguyên

15:27, 21/04/2022

Ngày 21/4, tại Bảo tàng Đắk Lắk, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty TNHH Sông Thương Garden tổ chức họp báo giới thiệu đêm nhạc Nguyễn Cường “Đến với cao nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Tại buổi họp báo, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã chia sẻ về hành trình 40 năm gắn bó với Tây Nguyên. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, song nhạc sĩ Nguyễn Cường lại nặng lòng với Tây Nguyên. Ông đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc gắn liền với nơi đây, gần nhất là vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”. Hơi thở mãnh liệt từ núi rừng Tây Nguyên đã hòa tan trong các giai điệu của nhạc sĩ qua những ca khúc nổi tiếng và quen thuộc với công chúng như: “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”…

Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ về hành trình 40 năm gắn bó với Tây Nguyên.

Theo Ban tổ chức, đêm nhạc sẽ được tổ chức vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 1/5, không thu vé, tại sân khấu ngoài trời của Bảo tàng Đắk Lắk; thời lượng khoảng 150 phút, với 2 phần chính: biểu diễn các ca khúc về cao nguyên do nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác trong suốt hơn 40 năm qua và giao lưu cùng nhạc sĩ; biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.

Đêm nhạc diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến sáng tác tại tỉnh Đắk Lắk nhằm tri ân những đóng góp của nhạc sĩ dành cho Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng; ông đã đưa hình ảnh và con người Tây Nguyên vượt qua ranh giới buôn làng, vùng miền đến những miền đất khác bằng sản phẩm âm nhạc. Đây cũng là dịp để quảng bá ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, góp phần kích cầu du lịch tỉnh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Một cảnh trong vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn"

Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” ra mắt công chúng vào ngày 15/12/2021, gồm 5 chương. Đây là đề án được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt thực hiện với mong muốn xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên. Tác phẩm sẽ góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê ở Tây Nguyên, được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của tỉnh, được biểu diễn thường kỳ phục vụ công chúng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.