Multimedia Đọc Báo in

Âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy hiện đại

10:48, 21/05/2022

Nhìn nhận lại chặng đường đã qua và sẻ chia những điều tâm huyết, trăn trở về âm nhạc Tây Nguyên đã được các nghệ sĩ, nhạc sĩ gửi gắm tại chương trình Tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay” do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp tổ chức trong dịp Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

 Báo Đắk Lắk xin được trích dẫn một số ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại buổi tọa đàm.

 

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam:

Sức sống trường cửu của âm nhạc Tây Nguyên

Cùng với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất và sự chịu thương, chịu khó, đồng bào Tây Nguyên đã sáng tạo ra một kho âm nhạc dân gian độc đáo, phong phú, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, sáng tác âm nhạc trong và ngoài nước. Chúng không những phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh con người Tây Nguyên đến với bạn bè gần xa.

Kế thừa và phát huy những giá trị âm nhạc độc đáo ở nơi đây, các trại sáng tác âm nhạc đã được mở ra nhằm động viên, thu hút các nhạc sĩ trong cả nước đến với Tây Nguyên huyền thoại. Đã có hàng trăm ca khúc và khí nhạc ra đời, góp phần đáng kể vào đời sống âm nhạc cả nước. Đáng kể như: “Tình ca Tây Nguyên” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến, “Hát giữa đêm trăng Chư Prông” của nhạc sĩ Vũ Thanh, “Hỡi em, cô gái Ajun Pa” của nhạc sĩ Minh Khang; đặc biệt là hàng loạt tác phẩm của “hiện tượng âm nhạc Tây Nguyên” – nhạc sĩ Nguyễn Cường như: “Hơ Zen lên rẫy”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”…

Trong trào lưu sáng tác âm nhạc Việt Nam gần đây, âm nhạc Tây Nguyên ngày càng được giới nhạc sĩ quan tâm, khai thác, sáng tạo nhiều tác phẩm giá trị. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã lựa chọn các ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên vào các "đấu trường" âm nhạc danh tiếng trong và ngoài nước. Và nhiều ca sĩ đã thành danh cũng bắt đầu khởi nghiệp từ việc thể hiện các tác phẩm âm nhạc Tây Nguyên. Tiêu biểu trong đó như Măng Thị Hội, Siu Black, Y Moal, Y Phôn Ksơr, Y Joel… Điều đó một lần nữa khẳng định sức sống trường cửu của âm nhạc Tây Nguyên trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam.

 

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk:

 Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đậm dấu ấn của Tây Nguyên

Kho tàng văn hóa ở Đắk Lắk với các trường ca, sử thi đồ sộ, kỳ vĩ đã khẳng định sức sống bền vững cùng thời gian. Và đó cũng là tiền đề để văn học nghệ thuật ở vùng đất này có những sự thành tựu đáng khích lệ.

 Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã để lại dấu ấn sâu sắc trên diễn đàn văn học nghệ thuật, đặc biệt là những tác giả là người dân tộc thiểu số. Ví dụ như các nhà văn Linh Nga Niê Kdăm, Kim Nhất, Hữu Chỉnh, Phạm Doanh, Văn Thảnh, Khôi Nguyên, Đặng Bá Tiến, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Văn Thiện, Niê Thanh Mai; các họa sĩ Y Nhi Ksơr, Mlô Hiu, Trương Văn Linh, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Buôn Krông Tuyết Nhung, Nguyễn Vũ Lân… Hàng trăm tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh sáng tác về con người và vùng đất Tây Nguyên với sức sống mãnh liệt, huyền bí đã đạt được rất nhiều huy chương trong và ngoài nước. Nét đặc trưng của dân tộc bản địa như Êđê, M’nông cùng với những sắc màu đa dạng của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất này được thể hiện phong phú và rõ nét trong các tác phẩm của những họa sĩ gạo cội như Lê Vấn, Trần Thanh Long…

Phải khẳng định rằng, âm nhạc Đắk Lắk trong nhiều năm qua đã ghi dấu ấn sâu sắc và đậm nét trong văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk nói riêng, tại Tây Nguyên nói chung, xa hơn là tạo nên sự đặc sắc trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam. Nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của vùng đất huyền thoại này với những chất liệu dân gian, những điệu ayray đã vươn xa và đến gần hơn với công chúng khắp mọi miền đất nước. Những ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi như Quang Dũng, Y Phôn Ksơr, Linh Nga Niê Kdăm, Huỳnh Ngọc La Sơn, Lê Nhật Thanh và rất nhiều nhạc sĩ từng sống, gắn bó cả cuộc đời ở vùng đất này đã và đang là niềm tự hào của người yêu nhạc, yêu văn học Tây Nguyên.

Đối với văn nghệ sĩ gắn bó và yêu thương vùng đất Đắk Lắk này thì mỗi tác phẩm, dù là văn chương, hội họa, nhiếp ảnh hay âm nhạc thì đều chứa đựng rất nhiều cung bậc cảm xúc. Chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng đều có được điều đó với nơi đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho trái tim nhạy cảm đến gần hơn với cuộc đời qua nhịp cầu văn học nghệ thuật.

Nhạc sĩ Mạnh Trí (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk):

 

Đưa chất liệu âm nhạc dân gian M’nông vào sáng tác

Người M’nông là một trong các tộc người có mặt sớm nhất trên địa bàn Tây Nguyên. Dù cư trú ở địa bàn nào nhưng nhìn chung từ phong tục tập quán đến nếp sống, cách thức lao động sản xuất, quản lý buôn (bon) làng đều có nét giống nhau và thống nhất với nhau. Riêng về hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ tre, nứa, cồng chiêng thì các bài bản cũng như cách thức, âm hưởng khá giống nhau.

Để vận dụng đưa chất liệu âm nhạc dân gian M’nông vào ca khúc sáng tác mới, cần chắt lọc một vài giai điệu, tiết tấu độc đáo và đặc trưng, có tính phổ biến trong cộng đồng mà từ người trẻ tới người già khi nghe đều rất quen thuộc. Chất liệu này cần được làm cho gọn lại, có tiết tấu hoàn chỉnh, nhưng vẫn dễ nhớ, dễ thuộc, dễ nhận biết và ấn tượng nhất về thang âm, điệu thức trong bài cần khai thác.

Có thể khai thác các từ ngữ trong lời hát mà nó được lặp đi lặp lại trở thành một nét riêng của bài dân ca để làm câu đệm, xen kẽ vào ca khúc mới của mình sáng tác. Cũng có thể sử dụng một câu đệm chính là tên của một làn điệu dân ca, dân nhạc có tính phổ cập của đồng bào. Ví dụ như “chi ri ria” là tên một làn điệu dân ca của người Êđê mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã sử dụng thành ca từ đưa vào bài hát nổi tiếng “H’Zen lên rẫy”.

Để tăng thêm ngôn ngữ bản sắc và tạo sự gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, lời bài hát cũng nên sử dụng một số địa danh nổi bật hoặc tên những nhạc cụ gắn bó với bon làng lâu đời. Ví dụ như bon (buôn làng), Năm Nung (ngọn núi cao nhất tỉnh Đắk Nông), Đắk Glun (một suối thác đẹp)…

   Quỳnh Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc