Multimedia Đọc Báo in

Bữa tiệc âm nhạc đa sắc màu nơi phố núi

10:51, 21/05/2022

Diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột từ ngày 18 đến 20/5, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 mang đến cho phố núi một bữa tiệc âm nhạc rộn ràng, giàu cảm xúc.

Tiết mục biểu diễn của đoàn Đắk Lắk tại Liên hoan.

Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I năm 2022 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ sĩ, nhạc sĩ. Từ 20 tỉnh thành trong cả nước, các đoàn mang đến Liên hoan hơn 50 tác phẩm được đầu tư công phu, từ âm nhạc đến hình ảnh, trang phục, phụ kiện...

Các tác phẩm mang những sắc thái riêng, phong phú về loại hình biểu diễn: ca khúc, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc. Qua đó thể hiện đa dạng đề tài: ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước, như tác phẩm “Đà Nẵng gợi nhớ gợi thương”, tác giả Mai Danh (đoàn Đà Nẵng); “Linh thiêng Thành Nam”, tác giả Vũ Công Đoàn  (đoàn Bình Định); thể hiện tình yêu với Đảng, Bác Hồ, như tác phẩm “Lời ru đưa tôi tìm đến Đảng”, tác giả Trần Khánh Nam (đoàn Lâm Đồng)…

Đặc biệt mảng đề tài về bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng miền chiếm số lượng không nhỏ, như tác phẩm “Về miền Hương Ngự”, thơ Triệu Nguyên Phong, nhạc Văn Đình (đoàn Thừa Thiên - Huế); “Chiều Tháp Cổ”, tác giả Phạm Bá Khôi (đoàn Ninh Thuận); “Trở về”, tác giả Mạnh Hổ (đoàn Đắk Nông); Cũng có tác phẩm mang tính thời sự như tác phẩm “Kiêu hãnh Việt Nam”, tác giả Tùng Lâm (đoàn Phú Thọ) viết về SEA Games 31…

Đoàn Đắk Lắk mang đến Liên hoan 4 tác phẩm của 4 tác giả: Tác phẩm “Hồ Lắk rộn tiếng chưng Bor” của nhạc sĩ Mạnh Trí đậm chất Tây Nguyên, âm điệu dân ca M’nông rõ nét. Hai tác phẩm của nhạc sĩ Hương Thành và Lê Hải xây dựng trên chất liệu dân ca Êđê, phong cách trẻ trung, sôi động; tác phẩm của nhạc sĩ Y Phôn K'Sơr với giai điệu trữ tình…

Bà Linh Nga Niê Kđăm, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk thông tin, 4 tác phẩm này được chọn từ 16 tác phẩm mới năm nay của chi hội, mang những phong cách khác nhau, đã tôn lên tổng thể chương trình của tỉnh nhà.

Tiết mục biểu diễn tác phẩm “Không thể viết hết về Người” của đoàn Quảng Ninh tại Liên hoan.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho hay, được tổ chức tại tỉnh nhà sau hai lần phải hoãn vì đại dịch COVID-19, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022  có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt. Suốt mấy tháng qua, Sở đã tích cực triển khai các bước chuẩn bị về công tác truyền thông, cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn, lưu trú, kỹ thuật nhằm mang đến chất lượng, sự thành công cho Liên hoan. Cùng với đó, các đoàn tham gia cũng có thêm thời gian chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Sự chuẩn bị này được  Ban tổ chức cũng như các đoàn tham dự ghi nhận, đánh giá cao.

Nhạc sĩ Lê Đình Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Đợt này, đoàn Quảng Ngãi có 3 nhạc sĩ, 3 ca sĩ tham dự với 3 tác phẩm về chủ đề quê hương, đất nước, trong đó có ca khúc hát về Tây Nguyên”. Chị Khánh Hòa, đại diện của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Sơn La tâm tình: “Từ Tây Bắc đến Tây Nguyên để tham gia Liên hoan, chúng tôi rất vui vì được giao lưu, học hỏi và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp”.

Tiết mục biểu diễn của nhạc sĩ Y Phôn K'Sơr (đoàn Đắk Lắk) tại Liên hoan.

Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Ban Chỉ đạo Liên hoan nhấn mạnh: “Liên hoan là cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sĩ trong khu vực. Mục đích là để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới sáng tác của các nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai. Đây còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với Đắk Lắk, vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử, giàu giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, vùng đất của thi ca và âm nhạc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc sáng tác”.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.