Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tình yêu với sách

07:53, 09/05/2022

Đại văn hào Nga M.Gorki đã từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Sách chẳng những mang giá trị nhận thức, giáo dục to lớn mà còn mang cả giá trị thẩm mĩ và nhiều niềm vui đến cho người đọc.

Niềm vui từ việc trao tặng sách

Bên cạnh những hoạt động ý nghĩa về sách để hưởng ứng phong trào đọc sách, tặng sách được xem là một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, nhà thơ Trương Nhất Vương đã dành tặng hơn 100 cuốn sách cho “Tủ sách lớp em Đắk Lắk” và Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường”.

Anh Vương chia sẻ: “Đất nước Bungari có câu ngạn ngữ “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, khi tặng sách tôi cũng nghĩ là sẽ trao được nhiều giá trị tốt đẹp của sách. Sách đã trao đi rồi, mà yêu thương còn đọng mãi và tri thức thì lan tỏa”. Không chỉ tặng sách trong dịp này, mà khi xuất bản tác phẩm mới, nhà thơ Trương Nhất Vương đều dành một nửa để tặng cho bạn đọc.

Gian trưng bày sách của Tỉnh Đoàn Đắk Lắk trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022.

Bắt đầu từ năm 2017, phong trào “Tủ sách lớp em Đắk Lắk” được một nhóm cựu học sinh khóa 1986 - 1990, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (huyện Cư M’gar) khởi xướng. Phong trào với mục tiêu tập hợp các mạnh thường quân, những người yêu sách cùng đồng hành để tặng sách cho các trường vùng sâu, vùng xa và đã mang lại cơ hội đọc sách cho hàng nghìn học sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một thành viên của nhóm cho biết: "Dù có những cuốn sách đã cũ nhưng giá trị của nó vẫn rất lớn, đối với chúng tôi việc tặng sách là một trong những thú vui tao nhã, mang lại những giá trị tinh thần to lớn, làm lan tỏa văn hóa đọc. Đọc sách giúp các em biết quý trọng vốn tri thức nhân loại, góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, sự vô cảm, vô lễ đang xảy ra không ít trong xã hội hiện nay".

Mỗi cuốn sách khi đến được với học sinh như một đứa con tinh thần mang bao công sức, tâm huyết và cả bút tích của người tặng. Sau hơn 5 năm, Nhóm “Tủ sách lớp em Đắk Lắk” đã xây dựng được 166 tủ sách, trao gần 9.000 cuốn sách cho 11 trường tại 7 xã và thị trấn tại huyện Cư M’gar và một trường ở huyện Krông Bông với hơn 4.500 học sinh được hưởng lợi từ chương trình này.

Thanh niên làm bạn với sách

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (20/4) hằng năm được chọn là ngày hội dành cho những người yêu sách và làm sách. Tại Đắk Lắk, Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022 được diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi nhằm tuyên truyền thói quen đọc sách trong tầng lớp nhân dân và đặc biệt là thế hệ thanh niên. Tại gian hàng trưng bày của Tỉnh Đoàn, hàng trăm quyển sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ quyền biển đảo Việt Nam, xây dựng nông thôn mới, văn học, khoa học, tâm lý, Việt Nam, đất nước và con người... đã bổ sung thêm nhiều đầu sách hay, sách quý, tạo thêm niềm cảm hứng, say mê đọc sách cho các bạn trẻ.

Nhà thơ Trương Nhất Vương tặng sách cho chương trình "Tủ sách lớp em Đắk Lắk".
 
Văn hóa đọc sách cần phải được phổ biến rộng rãi hơn đến học sinh, sinh viên và các bạn trẻ để mang đến nguồn năng lượng tích cực và nhiều kiến thức bổ ích”.
 
Chị Phạm Thị Kim Hải, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk

Trong khuôn khổ các hoạt động của tuần lễ hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên với nhiều hình thức, như: giới thiệu sách, thi tìm hiểu về sách, kể chuyện sách, tổ chức sinh hoạt chi đoàn thảo luận về các cuốn sách viết về Bác Hồ...

Một trong số những chương trình thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia là chương trình tọa đàm về cuốn sách “Thư gửi thanh niên” vào ngày 20/4 tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột. Tại chương trình, đoàn viên thanh niên đã được các văn nghệ sĩ: NSƯT Vũ Lân, nhà thơ Hữu Chỉnh, nhạc sĩ - nhà văn Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ những hồi ức, kỷ niệm đẹp về những lần được gặp Bác Hồ; nhà thơ Nguyễn Duy Xuân chia sẻ cảm nhận về cuốn sách “Thư gửi thanh niên”. Thông qua những câu chuyện đầy xúc động, các văn nghệ sĩ đã gửi gắm đến đoàn viên thanh niên lý tưởng sống cao đẹp, khát vọng vươn lên; tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chị Phạm Thị Kim Hải (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk) cho biết: “Thói quen đọc sách cực kỳ tốt mà tôi đã duy trì hơn một năm nay. Mỗi buổi sáng dành ít nhất 30 phút để đọc, nó mang đến một nguồn năng lượng rất tốt để bắt đầu một ngày làm việc tràn đầy năng lượng.

Thúy An - Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.