Multimedia Đọc Báo in

Lắng trong thanh âm đại ngàn

08:28, 24/05/2022

Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tái khởi động trở lại, với những điểm mới thu hút và hấp dẫn hơn.

Ngay từ buổi biểu diễn đầu tiên sau hai năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình đã thu hút rất nhiều công chúng đến xem và thưởng thức. Đó không chỉ là những du khách “tiện thì ghé xem”, mà khá nhiều trong đó là sự đón chờ.

Cô Hoàng Minh Anh (Hà Nội) cho biết: “Trong lịch trình du lịch của chúng tôi biết có buổi biểu diễn cồng chiêng này nên đã sắp xếp thời gian để đón xem. Chương trình rất hay và mới lạ”. Ngoài ra, người dân địa phương cũng khá quan tâm, đến thưởng thức đông đảo, trong đó có nhiều em thiếu nhi. Các em dành sự quan tâm chương trình qua việc thể hiện cảm xúc chân thật, hồn nhiên, trầm trồ, thích thú với các tiết mục.

Một tiết mục sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc biểu diễn tại chương trình.

Theo ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chương trình năm nay có những điểm mới để tạo nên sự hấp dẫn hơn nữa; đó là bổ sung nhiều tác phẩm mới, khai thác chất liệu dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sâu hơn, có phần biểu diễn trực tiếp của các nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn của tỉnh chứ không riêng gì các nghệ sĩ, ban tổ chức đã thay đổi hình thức tổ chức và sân khấu, lắng nghe thêm ý kiến của du khách để chương trình ngày một tốt hơn…

Và tất cả những điều đó được thể hiện cụ thể qua đêm diễn vừa qua. Chương trình với gần 10 tiết mục, từ hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hòa tấu chiêng Jhô, hát múa… Mỗi tiết mục mang một ý nghĩa và thông điệp gửi đến công chúng.

Đơn cử như tiết mục “Hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Vang mãi giữa đại ngàn” do các diễn viên nghệ sĩ của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk trình diễn, thông qua các nhạc cụ dân tộc, được chế tác bằng các vật liệu có sẵn trong thiên nhiên như tre, nứa, đá, vỏ bầu… Hệ thống thang âm, điệu thức, các bài bản, nguyên lý chế tác nhạc cụ và phương pháp diễn tấu độc đáo đã tạo nên giá trị đặc trưng riêng có của nhạc cụ dân gian Tây Nguyên. Hơn thế, qua tác phẩm, du khách phần nào hiểu được đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Chương trình thu hút đông đảo người dân và khách du lịch thưởng thức, tham gia.

Hay qua phần trình diễn của Đội nghệ nhân nữ Êđê Bih (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) với dàn chiêng Jhô độc đáo. Âm thanh đặc trưng của dàn chiêng Jhô như những “giọt ngọc”, được diễn tấu kết hợp với điệu múa dân gian, đã được người phụ nữ Êđê Bih mộc mạc trao truyền cho con cháu thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi khi âm thanh ấy ngân lên, vang sâu lắng trong không gian bình dị, tạo cảm giác gần gũi và cuốn hút người nghe đến lạ thường. Thông qua chương trình, công chúng đã được mục sở thị dàn chiêng Jhô này với 6 chiếc được phân ra thành 3 cặp: cặp chiêng mẹ, chiêng con và chiêng bố. Cùng với trống H’gơr là linh hồn dẫn dắt dàn chiêng hòa tấu nhịp nhàng tạo nên những hợp âm khác nhau, làm cho âm điệu bài chiêng thêm lôi cuốn.

Hoạt động biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách còn là một trong những hoạt động quan trọng góp phần vào việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng của tỉnh nhà hiện tại và trong thời gian tới. Đồng thời, chương trình còn hướng tới trở thành sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, góp phần quảng bá du lịch Đắk Lắk.

Chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ vào lúc 20 giờ tối thứ bảy của tuần thứ hai và tuần cuối hằng tháng. Chương trình mở cửa tự do và miễn phí cho tất cả khán giả tham dự.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.